Lãi suất giảm, tiền vẫn vào ngân hàng

ANTĐ - Nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động so với thời điểm cuối năm 2014 ở tất cả các kỳ hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh các kênh đầu tư không mấy thuận lợi, tiền nhàn rỗi từ người dân vẫn tìm tới ngân hàng. 

Lãi suất giảm, tiền vẫn vào ngân hàng ảnh 1Người dân vẫn coi gửi tiền vào ngân hàng là kênh đầu tư thích hợp

Ngân hàng nhìn nhau

Tại Ngân hàng NN&PTNT (Agribank), lãi suất huy động các kỳ hạn giảm 0,2-0,4%/năm theo biểu lãi suất mới được áp dụng từ ngày 2-3. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 3 tháng của Agribank giữ nguyên, lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng trở lên được điều chỉnh giảm so với năm 2014.

Áp dụng từ ngày 4-3, biểu lãi suất huy động của Ngân hàng TPCP Kỹ Thương (Techcombank) giảm nhẹ. Điểm đáng chú ý là ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao dần tương ứng với thời gian gửi, tạo ra đường cong trên bảng lãi suất. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng có lãi suất tương ứng là 4,4%/năm, kỳ hạn có mức lãi cao nhất là 24 tháng với lãi suất 6,36%/năm. 

Biểu lãi suất áp dụng từ ngày 10-3 tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng giảm thêm 0,2% so với giai đoạn trước. Cụ thể, lãi suất tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ đối với kỳ hạn 1 tháng là 4,5% và 3 tháng là 4,8%/năm. Kỳ hạn 9 và 12 tháng là 5,6%/năm và 6,1%/năm. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này là 7,5% được áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. 

Sau “làn sóng” điều chỉnh lãi suất huy động trong nửa đầu tháng 3, thị trường lại tiếp tục chứng kiến một “làn sóng” mới. Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) vừa điều chỉnh giảm với các kỳ hạn 2, 3 và 6 tháng. Trong đó, mức giảm lớn nhất là 0,4% đối với kỳ hạn 3 tháng (từ 4,9% xuống 4,5%/năm). Biểu lãi suất tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) áp dụng từ ngày 20-3, cũng ghi nhận điều chỉnh giảm 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 1-9 tháng và 0,1%/năm đối với các kỳ hạn 12 tháng trở lên... 

Ông Nguyễn Thanh Toại – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết: “Việc điều chỉnh lãi suất huy động được tính toán, cân nhắc kỹ trong bối cảnh các ngân hàng đều hạ lãi suất. Với lãi suất cũ, lượng tiền ngân hàng huy động được rất dồi dào nên chúng tôi đi đến quyết định giảm lãi suất. Từ thời điểm hạ lãi suất, việc huy động vốn vẫn diễn ra bình thường”. 

Tiền gửi kỳ hạn dài tăng mạnh

Các chuyên gia cho rằng, theo quy luật, lượng tiền gửi tại các ngân hàng thường tăng trưởng khá sau Tết do doanh nghiệp, nhà sản xuất, người dân thu về một lượng tiền lớn sau các hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội cho thấy, tính đến cuối tháng 2-2015, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 1.204.431 tỷ đồng, tăng 1,15% so với 31-12-2014. Do đó, điều chỉnh giảm lãi suất là cần thiết để tạo sự cân bằng giữa đầu vào và đầu ra. Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng vẫn chưa thể bắt kịp tốc độ của tăng trưởng huy động. 

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) chia sẻ: “Việc giảm lãi suất không ảnh hưởng lớn tới thu hút nguồn vốn từ khu vực dân cư, doanh nghiệp. Chỉ số lạm phát giảm nên mức lãi suất sau điều chỉnh của ngân hàng vẫn được khách hàng đánh giá là hợp lý. Giảm lãi suất giúp ngân hàng thu hút được một lượng vốn lớn ở các kỳ hạn dài, đồng thời cũng sẽ giúp lãi suất cho vay giảm theo, góp phần đẩy tăng trưởng tín dụng lên mức cao hơn”.

Trong khi đó, đại diện một ngân hàng thương mại khác cho rằng: “Hiện các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán đang có dấu hiệu ấm lên. Tuy nhiên, đà phục hồi chưa đột phá nên kênh gửi tiền vẫn được ưu tiên lựa chọn. Còn USD có biến động nhưng chủ yếu do yếu tố tâm lý, định hướng của cơ quan quản lý vẫn là giữ ổn định tỷ giá nên việc nắm giữ USD không tạo ra nhiều lợi nhuận”.

“Đáng lo ngại là trong lượng tiền gửi, có một lượng không nhỏ từ phía doanh nghiệp. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vẫn loay hoay với các kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu của thị trường chưa cải thiện, sức mua vẫn yếu khiến doanh nghiệp không dám mạo hiểm đầu tư”, vị đại diện nói trên phân tích.