Lách luật!

(ANTĐ) - Theo báo cáo mới đây của TAND TP Hà Nội, từ năm 2000 đến nay, tòa hình sự của TAND TP Hà Nội đã thụ lý theo trình tự phúc thẩm 4.707 vụ với 5.845 bị cáo, đã giải quyết 4.641 vụ với 5.757 bị cáo.

Lách luật!

(ANTĐ) - Theo báo cáo mới đây của TAND TP Hà Nội, từ năm 2000 đến nay, tòa hình sự của TAND TP Hà Nội đã thụ lý theo trình tự phúc thẩm 4.707 vụ với 5.845 bị cáo, đã giải quyết 4.641 vụ với 5.757 bị cáo.

Đây là một con số khá lớn bởi nếu tính trung bình, mỗi năm TAND TP Hà Nội xử theo trình tự phúc thẩm hình sự hơn 500 vụ án. Còn làm một con số cụ thể hơn thì mỗi tháng, một thẩm phán sẽ phải xử 15-17 vụ án hình sự phúc thẩm.

Hầu hết các bị cáo sau khi cấp sơ thẩm xử đều kháng cáo đề nghị án phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt. Có những kháng cáo có cơ sở, nhưng cũng có kháng cáo không có cơ sở. Thậm chí, nhiều vụ án rõ ràng cấp sơ thẩm tuyên phạt rất nhẹ cho bị cáo (hoàn toàn không tương xứng với hành vi phạm tội), nhưng sau đó bị cáo vẫn kháng cáo kêu oan hoặc đề nghị giảm hình phạt. Vì sao lại có hiện tượng kỳ quặc này?

Xin thưa, rất đơn giản. Nếu bản án “có vấn đề” không bị kháng cáo, kháng nghị, phòng kiểm tra giám đốc của TAND TP Hà Nội một năm vài lần chắc chắn sẽ rà soát và phát hiện ra.

Còn nếu kháng cáo, nhưng khi gần đến ngày xét xử phúc thẩm, bị cáo rút kháng cáo và tòa buộc phải ra quyết định đình chỉ việc xét xử. Vậy là án đương nhiên có hiệu lực pháp luật và phòng kiểm tra giám đốc cũng ít khi “sờ” đến những án loại này.

Quyền quyết định cuối cùng ở TANDTC mà tòa thì bận trăm công nghìn việc, đâu có thời gian để xem lại mấy cái án cỏn con cấp huyện? Mặt khác, nếu Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nghiên cứu hồ sơ thấy nhiều điều vô lý, thiếu khách quan, nhưng khi bị cáo đã rút kháng cáo, VKS không kháng nghị thì lấy đâu ra án để xét xử, sửa án hay hủy án?

Người trong nghề “bắt bài” hết những việc này và bảo rằng, đó là việc lách luật của tòa cấp dưới, họ làm mãi rồi, có sao đâu. Và cứ tình trạng này tiếp diễn thì thẩm phán cấp quận, huyện cần gì phải học hành chuyên sâu, nâng cao trình độ thời hội nhập?

Trung Thành