Lạc hậu và lạc điệu

ANTĐ - Ba nhóm vấn đề được Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XI tập trung thảo luận, cho ý kiến là tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013; phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và một số vấn đề về xây dựng Đảng. Riêng về lĩnh vực giáo dục, một loạt vấn đề cần được thảo luận, làm rõ. Vì sao lúc này phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo? Những chủ trương chính sách, biện pháp gì cần phải thống nhất ban hành để lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới giáo dục - đào tạo và phát triển khoa học - công nghệ?

Đúng vào thời điểm này, cuộc hội thảo “Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện” cũng vừa diễn ra. Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo sư, tiến sĩ tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, nhiều nhà khoa học đã có những góp ý đổi mới triệt để giáo dục, không ít ý kiến sâu sắc “mổ xẻ” căn bệnh trầm kha kéo dài hàng chục năm nay trong “cơ thể” giáo dục - đào tạo.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và không ngại “mất lòng”, một giáo sư toán học nổi tiếng thẳng thắn chỉ rõ, từ 15 năm nay, nhiều người đã liên tục cảnh báo, giáo dục Việt Nam không chỉ lạc hậu mà nguy hiểm hơn là đang đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh.

Giáo sư này cho rằng, các khuyết tật cấu trúc, lỗi hệ thống của giáo dục, cái nguyên nhân sâu xa mà từ đó đẻ ra mọi khó khăn, vấp váp chính là sự lạc điệu, lạc hướng không giống ai. Nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức, mà còn phải dạy cách làm người.

Một giáo sư, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường cũng nhất trí với quan điểm này khi cho rằng, giáo dục đang khủng hoảng, vì thế cần một cuộc cách mạng thực sự chứ không phải chỉ là “đổi mới căn bản và toàn diện”. Vấn đề ở đây là nhận thức về mức độ nghiêm trọng của sự lạc hậu và xuống cấp của nền giáo dục  đã thật sự “khủng hoảng” chưa hay “cơ bản” vẫn là tốt? Dưới góc độ giáo dục và đào tạo, một giáo sư Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là sự mất cân đối trong hệ thống giáo dục và cơ cấu  nguồn nhân lực.

Theo giáo sư, giáo dục phổ thông, đại học và dạy nghề được ví như kiềng ba chân. Tuy vậy, từ năm 1993 gần như xóa bỏ nhánh dạy nghề, hệ thống giáo dục quốc dân biến thành hình trụ. Đầu vào là lớp 1 phổ thông và đầu ra là thi đại học. “Cái kiềng” giáo dục chỉ còn hai chân, chông chênh không đứng vững. Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có khoảng 500 trường đại học, cao đẳng. So với năm 1987, số trường tăng gấp 5 lần, số sinh viên tăng tới 15 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần.

Viện trưởng Viện nghiên cứu - Đào tạo nhận đinh, quy mô giáo dục tăng mạnh, song vốn kiến thức cơ bản và văn hóa của học sinh phổ thông rất thiếu và yếu. Đặc biệt đáng lo ngại là khả năng thực hành sáng tạo và độc lập nghiên cứu của sinh viên rất kém, trong khi năng lực ứng dụng kiến thức của thạc sĩ, tiến sĩ vào thực tiễn lại càng hạn chế. Chất lượng đào tạo rất thấp, bằng cấp của đại học Việt Nam chưa được Quốc tế công nhận. Hiện có tới 63% sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp.

Có thể nói, kể từ khi Hội nghị Trung ương 2, khóa VIII ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ đến năm 2012, ngành giáo dục nước ta vẫn còn ngổn ngang  hàng loạt vấn đề từ mẫu giáo đến đại học, từ sách giáo khoa đến đội ngũ giáo viên, chế độ lương. Tổng Bí thư đã yêu cầu phải tự trả lời được câu hỏi: “Đổi mới căn bản là gì, toàn diện là gì? Giải đáp được thì mới có thể đưa nền giáo dục nước ta thoát khỏi tình trạng lạc hậu và lạc điệu.