Kỳ vọng “mã đáo thành công”

ANTĐ - Dự cảm năm Giáp Ngọ 2014, hầu hết mọi người đều kỳ vọng “mã đáo thành công”. Một năm với “mã lực” sung mãn, “sức ngựa” căng tràn, kéo “cỗ xe” kinh tế - xã hội vượt qua chặng đường “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”. Trong dự cảm ấy có cả mừng và lo. Mừng là vì có nhiều vấn đề cơ bản mà Chính phủ đã nhìn thấy và đã có những giải pháp kịp thời, phù hợp. Chẳng hạn như việc mở rộng dân chủ trực tiếp, xây dựng Nhà nước pháp quyền để phát huy sức mạnh toàn dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, “kìm cương” lạm phát, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, chấn hưng đất nước. Lo là vì thách thức còn nhiều, trong đó có những khó khăn tích lũy từ nhiều năm trước.

Nhìn tới chặng đường dài 2014, dấu hiệu phục hồi tuy đã xuất hiện, song còn nhiều điểm nghẽn, nút thắt chưa giải tỏa, tháo gỡ ngay được: nợ xấu còn cao, thị trường bất động sản chưa “tan băng”, chứng khoán chưa thực sự đỏ sàn… Để đạt được mục tiêu phát triển có chất lượng và bền vững mà không làm lạm phát tăng cao trở lại, nợ công không vượt quá ngưỡng an toàn, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp đều nhất trí cho rằng, các giải pháp phải hết sức hợp lý, thậm chí cần sự dũng cảm.

Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, hành động quyết liệt. Bản thông điệp đã mô tả rất xác thực, súc tích mô hình tái cấu trúc nền kinh tế mà nước ra sẽ theo đuổi. Đó là thực hiện giá thị trường với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng. Hai vấn đề có mối tương quan khăng khít này đều gắn với các doanh nghiệp Nhà nước, khu vực được cho là nhân tố quan trọng góp phần làm rõ hơn “yếu huyệt” của nền kinh tế khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng như những năm qua. Nếu Nhà nước chỉ chú trọng đến “thực hiện giá thị trường”, tức là tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà không đi kèm với cải cách cơ cấu thị trường để các thành phần kinh tế cạnh tranh một cách bình đẳng, thì chỉ mang lại lợi ích cho các “ông lớn” độc quyền. Lúc đó, công bằng và tiến bộ xã hội, như Thủ tướng nhấn mạnh trong thông điệp, khó mà thực hiện được khi người dân vẫn tiếp tục phải móc hầu bao nhiều hơn để “nuôi” các doanh nghiệp hoạt động theo kiểu “lời ăn, lỗ dân chịu”.

Thủ tướng khẳng định: “Phải thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ. Những thứ thiết yếu mà Nhà nước đang định giá phải tính đúng, tính đủ chi phí, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá và kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình thích hợp…”. Mấy năm qua, Nhà nước đã dần từng bước thị trường hóa giá cả các mặt hàng thiết yếu như giá điện, than, xăng dầu và giá dịch vụ y tế, giáo dục. Song, theo các chuyên gia kinh tế, hiện còn 4 loại giá chưa được thị trường hóa đầy đủ là giá năng lượng (xăng dầu, điện than), giá tiền (lãi suất, tỷ giá), giá nhà đất và tiền lương. Cả 4 loại giá này là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng mạnh tới cuộc sống của nhân dân và sản xuất kinh doanh. Nhà nước luôn phải can thiệp giá cả 4 mặt hàng này bằng mệnh lệnh hành chính. 

Để mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, thông điệp của người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phải xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là việc tiếp cận các nguồn lực. Kiên quyết tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế! Theo đuổi kinh tế thị trường là một chặng đường dài gian nan. Kỳ vọng năm Giáp Ngọ, “cỗ xe tứ mã” kinh tế sẽ có thêm xung lực mới để tiến về phía trước với sự “cầm cương” chắc tay điều hành của Chính phủ.