
Dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm khi tắm sông, ao hồ bẩn
Tương tự quan điểm của bác sĩ Hà, trong bài viết đăng trên trang của Viện Sốt rét ký sinh trùng Quy Nhơn, bác sĩ Nguyễn Võ Hinh khẳng định, loại ký sinh trùng ăn não người gây nên cái chết của bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh có tên gọi là Naegleria fowleri, không phải là một amip thật sự. Ký sinh trùng Naegleria fowleri tồn tại khá phổ biến ở vùng nước bẩn. Bản chất nó không thuộc họ amip nhưng vì có hình dáng, đặc tính khá giống với amip nên nhiều người có thói quen gọi luôn nó là amip cho tiện. Loại ký sinh trùng này gây tử vong cao (đến 98%) nhưng vô cùng hiếm gặp, cho đến nay trên thế giới chỉ mới phát hiện được khoảng vài trăm trường hợp nhiễm.
PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Trưởng khoa Ký sinh trùng - trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng amip trong cộng đồng khoảng 5-10%. Tuy nhiên, nó chỉ thể hiện thành bệnh khi có điều kiện thuận lợi trong ruột, hoặc khi cơ thể yếu, sức miễn dịch kém, rất hiếm gặp ca tử vong, trong khi bệnh nhân nếu được chẩn đoán đúng, kịp thời thì có thể khỏi hoàn toàn. Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng trước thông tin này. Cũng theo PGS. Nguyễn Văn Đề, ca tử vong do amip tấn công não mới ghi nhận tại BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh có thể là do bệnh nhân đã đến muộn, hoặc tổ chức não bị áp xe nên sự tổn thương ở não nặng nề hơn.
Tuy khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng với ký sinh trùng “amip ăn não người” - Naegleria fowleri vì bệnh lý này vô cùng hiếm gặp, song các chuyên gia cũng khuyên người dân và cả các bác sĩ không nên chủ quan với bệnh này, bởi bệnh rất dễ chẩn đoán nhầm. Lý do là bệnh lý nhiễm Naegleria fowleri cũng gây viêm não, viêm màng não nên khi tiếp nhận bệnh nhân các bác sĩ thường điều trị ngay theo các phác đồ điều trị bệnh viêm não hoặc amip thông thường, dẫn đến điều trị không trúng, không hiệu quả, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, cách phòng bệnh do nhiễm amip tốt nhất là chỉ nên tắm, bơi, lặn ở những nơi nước sạch và sử dụng dụng cụ kẹp mũi bảo vệ khi bơi, lặn trong các hồ nước có nguy cơ mầm bệnh. Những người sống bằng nghề thường xuyên tiếp xúc với nước sông hồ, ao đầm hoặc tắm sông hồ, đặc biệt là bị ho sặc trong lúc ngâm mình trong nước, nếu thấy có biểu hiện bệnh thì nên đi khám sớm.