Kỳ lạ đạo luật “cấm béo”

ANTĐ - Cũng giống như hình ảnh hoa anh đào, những võ sĩ sumo là biểu tượng của xứ sở Phù tang. Khó ai nghĩ rằng, một quốc gia tỷ lệ béo phì chỉ 5% như Nhật Bản vẫn nghiêm khắc với chiến dịch giảm vòng bụng theo chuẩn quy định của chính phủ. 

Bích chướng kêu gọi người Nhật giảm cân

Câu chuyện vòng eo

Theo giấy triệu tập tới thành phố Amagasaki, chủ một cửa hàng hoa Minoru Nogiri, 45 tuổi, nghiêm chỉnh đứng xếp hàng để chờ đến lượt đo vòng eo. Với vòng eo không quá 90cm này, ông Minoru chắc sẽ không bị lọt vào danh sách béo phì hay còn gọi là metabo, một từ được dùng nhiều tại Nhật Bản trong những năm gần đây.

Nhưng sau khi được phổ biến về quy định tiêu chuẩn mới của thành phố này cho vòng eo nam giới là 85cm, ông Minoru giật mình. Đến lượt, ông hồi hộp bước vào phòng cân đo và vén áo để lộ ra khuôn bụng phẳng, không ngấn mỡ. “85,3cm” - ông được một y tá thông báo. Vậy là theo quy định, vòng eo của ông thừa 0,3cm. Minoru thở dài và lộ rõ vẻ lo lắng. Ông sẽ phải tiếp tục theo những khoá huấn luyện giảm cân chật vật. Và phiền luỵ hơn nữa, công ty ông làm việc sẽ bị vạ lây, phải nộp tiền phạt.

Chị Miki Yabe, 39 tuổi, quản lý một công ty vận tải, sở hữu chiều cao 1,53m, nhưng nặng tới 62kg. Từ khi luật “vòng eo” mới ra đời, Miki đã phải tự ép mình ăn kiêng kham khổ. Một tuần lễ trước khi công ty khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho nhân viên, Yabe chỉ dám ăn toàn súp rau, bơi lội và chạy bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày. Hôm đi khám sức khỏe, thật may mắn vòng eo của chị là 84cm, dưới ngưỡng cho phép (90cm) và giảm được 3kg nữa. 

“Bản án” thừa cân

Đạo luật chống béo phì của Nhật Bản ra đời năm 2008. Từ năm 2009, các công ty và chính quyền địa phương nước này luôn phải đưa việc đo vòng eo của người dân Nhật Bản trong độ tuổi từ 40 - 74 vào chương trình khám sức khoẻ hàng năm. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có hơn 56 triệu vòng eo, tương đương 44% dân số phải đo. Chỉ số tiêu chuẩn cho vòng eo phụ nữ là 90, và đàn ông là 85 được các nhà lập pháp nước này đưa ra dựa trên hướng dẫn của Ủy ban Phòng chống tiểu đường quốc tế nhằm đẩy lùi những căn bệnh nguy hiểm và các bệnh liên quan đến cân nặng.

Điều khác lạ ở đạo luật chống béo phì của Nhật Bản là không nhằm phạt các cá nhân mà lại là các công ty, địa phương có người thừa cân, dư vòng eo. Những người thừa cân và eo lớn hơn so với quy định chỉ phải áp dụng chế độ dinh dưỡng của các nhà chức trách đưa ra và sau 6 tháng kể từ chế độ ăn kiêng, nếu trọng lượng vẫn không giảm họ tiếp tục phải đào tạo lại cho đến khi đạt chuẩn mới thôi. Với những người dân hoạt động kinh doanh, kiếm sống tự do cũng không thoát khỏi “bản án” nếu dư cân và thừa vòng eo. Họ cũng phải chịu quản thúc của chính quyền địa phương nếu cân không giảm. 

Công ty Matsushita có lượng người trong độ tuổi phải đo vòng eo chiếm đến hơn 80% nhân viên toàn công ty. Matsushita cam kết, đến năm 2015, công ty họ phải giảm được 25% số nhân viên thừa cân. Nếu thất bại, điều đó đồng nghĩa với việc Matsushita phải nộp số tiền phạt khổng lồ lên tới cả chục triệu USD.

Còn NEC, nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất của Nhật cho biết nếu công ty này không đạt mục tiêu, họ có thể sẽ phải trả 19 triệu USD tiền phạt. Chính vì vậy, công ty đã quyết định đo vòng eo cho nhân viên từ khi họ mới hơn 30 tuổi và tích cực tài trợ các chương trình đào tạo giảm cân cho cả gia đình các nhân viên.

Vi phạm nhân quyền?

Trên thực tế, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới, không đầy 5%, trong khi Mỹ gần 35%. Dù vậy, đất nước của những chàng sumo này vẫn cương quyết áp dụng chính sách giảm cân này vì nhiều lý do. Trước hết, số cân nặng của người Nhật hiện tại cũng nặng hơn 3 thập kỷ trước nhiều. Đáng ngại hơn, tại quốc gia có đông người già nhất, tuổi thọ cao nhất và tỉ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới này, số người mắc bệnh tiểu đường đã tăng vọt từ 6,9 triệu năm 1997 lên 8,9 triệu vào năm 2008. Theo ước tính, chi phí y tế vào năm 2020 sẽ tăng gấp đôi, chiếm khoảng 11,5% GDP. Chính vì con số này mà một số chuyên gia y tế nhiệt tình ủng hộ Luật Chống béo phì (Luật Metabo).

Tuy nhiên, đạo luật cũng gặp phải sự phản đối gay gắt của người dân. Dư luận của một số nước thì cho rằng đạo luật này là vi phạm nhân quyền, can thiệp quá sâu vào đời sống tự do của người dân. Còn tại Nhật, nhiều người cho rằng những chỉ số về cân nặng, vòng eo tiêu chuẩn mà Nhà nước đưa ra là quá khắt khe. Và rằng người Nhật không cần thiết phải giảm cân. Bằng chứng là sau 4 năm luật này được thông qua, phụ nữ Nhật đang trở nên quá gầy. Báo cáo gần đây cho thấy có tới 29% phụ nữ trong độ tuổi 20 thiếu cân so với quy định với chỉ số cơ thể chỉ là 18,5. Tại phòng khám y tế công cộng Matsuyama, ông Kinichiro Ichikawa, 62 tuổi, cho biết: Ông cao 1,6m, nặng 60kg, vòng eo 85,1cm, nhưng theo luật ông vẫn phải ép cân trong khi đã có tuổi.

Bắt đầu từ năm 2008, Quốc hội Nhật đã thông qua quy định về “mức độ an toàn” của vòng eo. Theo đó bất kỳ ai ở độ tuổi 40 trở lên, chỉ được phép có vòng bụng không quá 85cm (đối với nam) và 90cm (với nữ). “Luật Metabo” ra đời nhằm tiết kiệm ngân sách cho các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì (như huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch...), đến nay vẫn có ý kiến không đồng tình. Không ít người trong giới chuyên môn nói rằng, quy định vòng eo theo kiểu Nhật không khớp với hướng dẫn được đề nghị từ Liên đoàn tiểu đường quốc tế (90cm cho nam và 80cm cho nữ).