Chấn chỉnh một hoạt động kinh doanh phức tạp:

Kỳ I: Cầm đồ rất đáng ngờ

(ANTĐ) - Thời gian gần đây, qua công tác nghiệp vụ, các lực lượng CATP Hà Nội phát hiện nhiều cơ sở cầm đồ đã cố tình vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh.

Ai đi cầm đồ?

Theo con số thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã có gần 100 công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cá thể xin bổ sung và đăng ký hoạt động cầm đồ. Con số này tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Để tìm hiểu sự gia tăng đột biến này, tôi “vác” xe máy đến một cửa hiệu cầm đồ có tên Anh H trên địa bàn xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội để cầm cố.

Sau khi xem xong giấy tờ, chủ cửa hiệu tên H hỏi: “Bây giờ chú thích anh chiều kiểu gì”? Thấy bộ dạng lơ ngơ lóng ngóng của tôi H giải thích: “Thế này nhé, ở đây, với những tài sản chính chủ, anh sẽ lấy 6 nghìn đồng/ngày/triệu đồng. Chiếc xe của chú có đầy đủ giấy tờ nhưng chú là người ở tỉnh ngoài lại không phải chính chủ anh lấy 10 nghìn đồng”. “Thế xe của em “cắm” được bao nhiêu”? “Loại xe Wave Honda sản xuất năm 2009 như dạng này anh chỉ cho chú đặt tối đa 2,5 triệu đồng”.

                              Hàng trăm chiếc xe CAH Từ Liêm thu giữ tại một hiệu cầm đồ vi phạm

Nhẩm tính sơ sơ, mỗi ngày tôi phải chịu số tiền lãi là 25 nghìn đồng. Nếu không “nhổ” sớm, trong vòng khoảng 100 ngày, chiếc xe tôi mua tại thời điểm 2009 có giá 18 triệu đồng sẽ “đi tong”.

Cùng lúc đó, một chiếc xe ô tô Honda Civic đời mới đỗ xịch ngay trước cửa hiệu. Từ cửa lái bước xuống là một cô gái còn rất trẻ, dáng như người mẫu. Chủ hiệu cầm đồ bỏ mặc tôi, vội vã chạy ra đon đả mời cô gái vào bàn nước phía trong. Ngồi cách đó không xa tôi đã được nghe toàn bộ cuộc trao đổi giữa họ. Cô gái cho biết đang cần 200 triệu đồng và đồng ý để lại chiếc xe ô tô. Trong khi chờ chủ cửa hiệu vào trong nhà lấy tiền, cô gái “móc” điện thoại trong túi quần soóc ra gọi cho ai đó. Khoảng 2 phút sau, nhận bọc tiền từ tay H, không cần đếm và cũng không cần viết giấy tờ giao kèo, cô gái đưa chìa khóa xe cho H, bước ra và lên một chiếc Lexus rx350 cũng vừa tới trước cửa hiệu.

Lúc này, chủ hiệu cầm đò đến bên tôi khoe: “Chú thấy cô bé đó thế nào, xinh chứ ?”. Tôi gật đầu. H tiếp lời: “Một trong những khách ruột của anh đấy, chồng làm giám đốc một công ty xây dựng lớn trên địa bàn thành phố, vợ là “dân nghiện” cờ bạc. Mỗi lần qua đây, cô ta đều đặt chiếc xe xịn này và lấy không dưới 200 triệu đồng để đi đánh bạc... Chú biết không, với trường hợp này, chỉ 2 tuần sau, ngồi hút thuốc lào, uống trà đá anh cũng có trên chục chai (chục triệu) tiêu vặt”. Nói xong, H cười khùng khục vẻ khoái chí.

Lấy lý do số tiền cầm cố chiếc xe quá thấp, tôi chào H và lên xe ra về.

Những chiêu “lách luật” tinh vi

Theo chỉ huy Đội CSHS - CAH Từ Liêm, một trong những địa bàn có số hiệu cầm đồ hoạt động nhiều nhất thành phố Hà Nội cho biết, trên địa bàn hiện có tổng cộng gần 200 hiệu cầm đồ. Trong tháng 5 vừa qua, tiến hành kiểm tra 10 hiệu cầm đồ thì cả 10 hiệu đều vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh và các điều kiện đảm bảo về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy…

Điển hình, cuối tháng 5-2011, bất ngờ kiểm tra hiệu cầm đồ tại khu vực ngã tư Nhổn thuộc địa bàn huyện Từ Liêm, TP Hà Nội, trinh sát Đội CSHS-CAH Từ Liêm phát hiện cửa hiệu này đang giữ trên 200 xe máy các loại của khách. Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan công an đã làm rõ, trong số xe máy nói trên, phần lớn là tài sản cầm cố bất hợp pháp.

Một điều tra viên tham gia trong tổ điều tra cho hay, bên cạnh việc tự “định giá” tài sản dưới mức độ “bèo bọt”, chủ hiệu cầm đồ này còn có dấu hiệu “lách luật”. Ngoài việc nâng mức lãi suất lên mức “cắt cổ”, nhiều loại tài sản chủ cửa hiệu cầm đồ và khách chỉ thỏa thuận miệng để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.

                                               Mẫu giấy tờ do một số hiệu cầm đồ tự chế

Trước đó, tại Hà Đông, lực lượng CSHS-CAQ Hà Đông cũng kiểm tra 5 hiệu cầm đồ nằm trên địa bàn. Quá trình kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện 3 hiệu cầm đồ của Nguyễn Văn T, trú tại quận Hà Đông, TP Hà Nội; Hoàng Thị H, trú tại huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội; Phan Danh B, trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội vi phạm các quy định như: không có kho để các tài sản cầm cố, tài sản cầm cố qua người thứ 2 không có ủy quyền…

Theo con số thống kê mới nhất, trên địa bàn thành phố hiện có 2.710 cửa hiệu cầm đồ đang hoạt động. Từ đầu năm đến nay, tiến hành kiểm tra, các lực lượng trực thuộc CATP Hà Nội đã phát hiện hàng chục hiệu cầm đồ vi phạm các quy định trong công tác phòng cháy chữa cháy và đăng ký đảm bảo an ninh trật tự, kho bãi… Trong đó, nhiều hiệu cầm đồ thay đổi địa điểm kinh doanh hoặc ngừng hoạt động vẫn không báo cáo cơ quan chức năng.

 Cùng chung quan điểm với điều tra viên CAH Từ Liêm, Chỉ huy Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Đội 6) - Phòng CSHS, CATP Hà Nội cho biết thêm; ngoài việc “lách luật” thông thường, nhiều hiệu cầm đồ cá thể đã liên kết với một số doanh nghiệp được phép mở dịch vụ cầm đồ để tạo nên một đường dây cầm đồ liên hoàn nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế và xây dựng kho bãi… theo quy định của pháp luật.