Thực trạng giao thông đường thủy:

Kỳ 2: Không thể đùa với sông nước

(ANTĐ) - Hậu quả để lại từ những vụ TNGT cả ở trên bộ và dưới nước đều khủng khiếp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn coi thường thậm chí đùa giỡn với tính mạng và tài sản không những của bản thân mà cả những người xung quanh.

Cẩn thận không thừa Vụ chìm tàu du lịch ở Quảng Ninh chưa kịp lắng xuống thì thêm một “dấu đen” trong hoạt động du lịch đường thủy khi tàu Dìn Ký chìm xuống sông Sài Gòn vào cuối tháng 5 vừa qua cướp đi sinh mạng của 16 hành khách, trong đó có tới 9 người trong 1 gia đình. Cùng với việc tàu quá cũ nát, hết hạn đăng kiểm thì một trong những nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn đó chính là sự chủ quan của những nhân viên phục vụ và thuyền trưởng điều khiển tàu. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương còn làm rõ tài công Nguyễn Văn Đức không có bằng thuyền trưởng.
 Kỳ 2: Không thể đùa với sông nước ảnh 1

 CSGT tuyên truyền cho những người lái tàu hiểu và chấp hành
Luật giao thông đường thủy nội địa

Hiện nay, Hà Nội cũng có du lịch trên sông Hồng, sông Đuống và ở một số khu vực như hồ Tây, Đồng Mô, suối Hai. Trong đợt tổng kiểm tra xử lý các vi phạm về hoạt động kinh doanh hành khách du lịch bằng phương tiện thủy trên khắp địa bàn TP Hà Nội vừa qua, CSGT đường thủy chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng bằng giả, bằng cấp, chứng chỉ không theo đúng chuyên môn và trình độ. TNGT đường thủy trong hoạt động du lịch cũng chưa xảy ra. Nhưng dù vậy, quan điểm của Phòng CSGT đường thủy đó là việc triển khai kiểm tra mạnh mẽ, áp dụng quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tai nạn đối với những công ty kinh doanh loại hình dịch vụ này vẫn phải được đặt lên hàng đầu.Rắc rối khâu xử lý
Không giống như phương tiện du lịch chỉ hoạt động trong 1 tuyến, khu vực cụ thể và có lộ trình thời gian nhất định, tất cả các tàu thuyền chở hàng hóa trên sông đều đi theo kiểu… “tùy hứng” của người lái tàu. “Ở những tuyến sông và vào các mùa nước khác nhau lưu lượng tàu thuyền hoạt động cũng có sự thay đổi, không cố định. Mà trên sông nước mênh mông thì chẳng biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra nếu như người điều khiển phương tiện không ý thức được trách nhiệm và có khả năng điều khiển tàu thuyền, làm chủ tình huống”-Trung tá Đỗ Trọng Nghĩa-Đội trưởng Đội CSGT đường thủy số 4 nhận xét. Hiện nay, theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, những người muốn được cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng 1, ngoài việc có đủ điều kiện về sức khỏe, thời gian điều khiển tàu hạng 2, hạng 3 còn bắt buộc phải có trình độ từ THPT trở lên. Thực tế kiểm tra của CSGT đường thủy, tất cả những người sử dụng bằng giả đều có trình độ học vấn rất thấp, chưa tốt nghiệp THCS. Có nhiều trường hợp thậm chí còn không biết đọc, biết viết. Trung tá Nguyễn Văn Hải-cán bộ Đội CSGT đường thủy số 4 bức xúc: “Do trình độ nhận thức, kỹ năng điều khiển tàu thuyền hạn chế, các trường hợp sử dụng bằng giả đã gây nguy hiểm cho tính mạng của người khác khi tham gia giao thông trên sông. Để trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan công an, biện pháp của những “thuyền trưởng” này khi thấy CSGT đường thủy là vội vàng táp tàu thuyền vào bờ sông rồi bỏ lên bờ hoặc nói dối là “thuyền trưởng” đi vắng. Do vậy, việc kiểm tra, xử lý các trường hợp này rất khó khăn”. Cũng do đặc thù hoạt động giao thông trên sông nước nên hầu hết những người điều khiển tàu thuyền đều sống nay đây mai đó, không thường xuyên ở địa phương. Thực tế này dẫn tới tình trạng nhiều người dân không có điều kiện và thời gian học lấy bằng đã chấp nhận dùng tiền mua bằng giả. Thượng tá Nguyễn Văn Cương cho biết, quá trình xử lý, đơn vị cũng phát hiện một số bằng thuyền trưởng, máy trưởng có phôi bằng và con dấu thật nhưng khi kiểm tra trong dữ liệu của các cơ quan chức năng thì họ không hề có tên trong sổ cấp bằng. Dù chưa phát hiện ra đường dây “chạy” bằng hoặc mua bằng nào nhưng không loại trừ có những đối tượng móc ngoặc với cơ sở cấp bằng để tuồn bằng thật ra ngoài. Theo kiến nghị của Thượng tá Nguyễn Văn Cương, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm của CSGT đường thủy thì các cơ quan chức năng có liên quan cũng cần siết chặt lại khâu tuyển dụng, đào tạo và cấp bằng cho học viên.