Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Kinh tế xã hội có những bước chuyển đáng ghi nhận

ANTĐ - Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước biến động phức tạp, Chính phủ đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên lề Quốc hội, PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về những kết quả đạt được.
Kinh tế xã hội có những bước chuyển đáng ghi nhận  ảnh 1

- PV: Bà đánh giá thế nào về con số tăng trưởng kinh tế cả năm nay mà Chính phủ đã báo cáo?

- Bà Trương Thị Mai: Năm 2012, trong điều kiện khách quan chung còn rất khó khăn, tôi nhận thấy tình hình kinh tế - xã hội có những bước chuyển đáng ghi nhận: 9 tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế đạt 4,73%, chúng ta cố gắng giữ cả năm đạt mức 5,2%. Một trong những chỉ số đáng quan tâm nhất, đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI): chúng ta đã nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu đề ra của Quốc hội, đó là giữ ở mức hai con số, và dự kiến năm nay sẽ đạt ở mức 8%. Đây là câu chuyện đã nói rất nhiều năm, nếu chỉ số GPI không giảm thì thu nhập thực tế của người dân cũng sẽ không đáp ứng được, dù có thể tăng trưởng rất cao.

Năm nay chúng ta chấp nhận tăng trưởng vừa phải, hợp lý để có chỉ số CPI đáp ứng được thực tế cuộc sống. Một số chỉ số xã hội khác chúng ta cũng đạt được, cụ thể có hai chỉ số liên quan đến Uỷ ban về các vấn đề xã hội là giảm nghèo và việc làm. Dù có giảm chút ít, song tôi đánh giá cũng không ở mức bi quan. Chỉ số giảm nghèo đạt được là 1,76/2%; mục tiêu việc làm đạt trên 90%, rõ ràng trong thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn như hiện nay thì những chỉ số này không thể nào không bị ảnh hưởng (đặc biệt là chỉ số việc làm).

- Tình hình người lao động mất việc làm hiện nay so với trước đây có gì khác không, thưa bà?

- Tình hình việc làm năm 2012 khác xa so với năm 2009- thời kỳ đầu của suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính thế giới. Năm đó dồn dập những tin tức về mất việc làm, thì năm nay người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi các doanh nghiệp, đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động. Đã có khoảng hơn 200.000 lao động nhận được trợ cấp thất nghiệp, một bộ phận trong đó được học nghề và quay trở lại thị trường lao động; một bộ phận khác có thể quay về quê, tham gia lĩnh vực nông nghiệp…. 

- Một trong những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội là bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Việc này được Chính phủ cụ thể hóa như thế nào thưa bà? 

- Năm nay chúng ta thông qua 2 pháp lệnh: Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng và Pháp lệnh bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hai pháp lệnh này được sửa đổi đồng bộ và chúng ta ban hành khá nhiều chính sách với người có công, điều đó cho thấy trong một bức tranh còn nhiều vấn đề phải lo toan, nhiều thách thức nhưng chúng ta vẫn dành sự quan tâm nhất định, tạo điều kiện cho người có công có được mức sống trung bình tại địa phương. Ở góc độ chung, tôi ghi nhận rất cao sự nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan để chúng ta có thể đảm bảo an sinh xã hội ở mức độ hợp lý, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn hiện nay.

- Còn về lộ trình cải cách tiền lương, Chính phủ cho biết chưa cân đối được nguồn để cải cách tiền lương từ ngày 1/5/2013, việc này cử tri cũng còn nhiều băn khoăn?

- Tôi cho rằng từ kỳ họp của UBTVQH đến lúc trình Quốc hội về vấn đề tiền lương, Chính phủ cũng đã có cân nhắc. Trước đây với dự kiến mức tăng thu ngân sách của năm 2013, thì chúng ta rất khó để tăng lương đúng lộ trình, nhưng gần đây Chính phủ cũng đã đưa ra đề xuất sẽ tiếp tục trình UBTVQH để tùy theo thời điểm thuận lợi, vẫn có thể tăng lương vào năm 2013, đáp ứng phần nào lộ trình cải cách tiền lương đến năm 2015.

- Xin cảm ơn bà!