Kinh tế Việt Nam vẫn đủ khả năng chống chịu trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  TS. Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đủ khả năng chống chịu trong đại dịch Covid-19 và còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển.
Đại biểu trong và ngoài nước tham dự VRDF

Đại biểu trong và ngoài nước tham dự VRDF

Sáng nay (29/9), Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) 2020 chính thức khai mạc với chủ đề “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong kỷ nguyên Covid-19”.

Diễn đàn có hai phiên thảo luận với chủ đề “Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu” và “Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến “thời điểm hết sức đặc biệt” của VRDF 2020. Đó là, Việt Nam chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Hai là, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, đặt ra cho Việt Nam những thách thức không nhỏ và đồng thời cũng đem lại những cơ hội mới cho phát triển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để ứng phó, để vượt qua, để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần tận dụng tối đa những lợi thế, nhận diện rõ ràng các cơ hội đang có.

“Tiềm năng đất nước, bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh hậu Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cơ hội thuận lợi để tái cơ cấu, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

TS. Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới nhận định, trên bình diện toàn cầu, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã có tác động tiêu cực chưa từng có đối với đời sống y tế, kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, tác động này khác nhau đáng kể giữa các quốc gia, phần lớn do hiệu lực ứng phó của các chính phủ. Việt Nam đã làm đặc biệt tốt trong việc nhanh chóng ngăn chặn đại dịch và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Nêu hàm ý của những thách thức và cơ hội do Covid-19 tạo ra đối với Việt Nam, lãnh đạo của World Bank nhận định, Việt Nam đã phát triển tốt không chỉ trước đại dịch mà còn kiên cường trước những cú sốc.

Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết và đưa vào thực hiện các hiệp định thương mại và đầu tư quan trọng với CPTPP và EVFTA. Những hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa năng suất và tăng trưởng của Việt Nam.

Theo bà Victoria Kwakwa, Việt Nam đã phát triển cực kỳ tốt trong giai đoạn sau khủng hoảng toàn cầu 2009-2017 với tốc độ tăng trưởng cao nhất về giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu và nằm trong tốp 5 quốc gia có tốc độ tăng vốn FDI cao nhất. Đặc biệt, Việt Nam đã thành công trong việc hội nhập vào các GVC chế biến chế tạo nhẹ, thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng việc làm.

“Tuy nhiên, vẫn còn dư địa đáng kể để tiếp tục cải thiện”- chuyên gia của World Bank nhận định. Theo bà, mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế.

Mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới, mức độ tham gia của Việt Nam vào các GVC vẫn thấp hơn so với các nước cùng khối ASEAN như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines; Mức độ tham gia của Việt Nam vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp.

Theo ước tính của WB, cứ 1% tăng lên trong sự tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1% - nhiều hơn khoảng hai lần so với thương mại truyền thống, do vậy tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng sẽ là quan trọng để Việt Nam thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng.

TS. Jonathan Pincus- Cố vấn quốc tế cao cấp, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cho rằng, Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia (MNE) đang tìm kiếm các nền tảng xuất khẩu chi phí thấp. Đồng quan điểm này, có đại biểu cho rằng, Việt Nam nên tối ưu hóa sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thay vì chú trọng thu hút nhiều vốn FDI, nhằm tăng hiệu quả của dòng vốn.