Kinh tế… vỉa hè cản trở sự phát triển hiện đại
(ANTĐ) - Tốc độ đô thị hóa của TP.HCM hôm nay diễn ra quá nhanh, quy hoạch của nhà nước không theo kịp tốc độ phát triển của thành phố, ý thức tuân thủ của người dân kém, sự tùy tiện phát triển các khu dân cư xen lẫn thương mại, khu sản xuất… khiến thực trạng “kinh tế vỉa hè” ở TP.HCM đang là bài toán khó giải cho quy hoạch một thành phố hiện đại.
TS. Nguyễn Thị Hậu, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM trao đổi về vấn đề này.
- Một thành phố sôi động, hào nhoáng nhưng bất cứ đâu cũng thấy rõ tính chất làng trong phố, nhiều chợ nhếch nhác, phải chăng có gì đó chưa ổn, thưa bà?
- Theo kết quả khảo sát 400 người dân về quyền sử dụng vỉa hè ở TP.HCM, có tới 52,8% số người được hỏi cho rằng, vỉa hè thuộc quyền của chủ nhà có mặt đường… Và chủ nhà mặt đường đương nhiên được toàn quyền sở hữu không gian đó; ai muốn có một chỗ buôn bán nhỏ lẻ ở vỉa hè, tất nhiên phải đóng một khoản tiền “thuê chỗ” hàng tháng. Đó là lý do “văn hóa mặt tiền” trở thành đặc trưng mới của đô thị Việt Nam. Mọi người đua nhau ra sống cạnh mặt đường… Đến cấp chính quyền cơ sở cũng phải… sống nhờ vỉa hè, từ việc cho nộp phạt người “trót” bán rong trên phố, đến mở cả một khu vực trông giữ xe…
- Thành phố đã chủ trương phát triển nhiều trung tâm dịch vụ thương mại để phân tán mức độ tập trung xuống cấp quận, huyện, vậy tại sao vẫn tồn tại một kiểu “kinh tế vỉa hè” như vậy?
- Các trung tâm thương mại hiện chưa đủ sức thu hút, lại bị phân tán theo các trục đường và các lề đường, nhiều bất tiện nên việc người dân vẫn tiện đâu mua đấy, sáp vào vỉa hè là có đủ thứ, càng làm cho loại hình kinh tế buôn bán trên vỉa hè có điều kiện nảy sinh và tồn tại.
- Phải làm thế nào để có một nếp văn minh thương mại, hạn chế hoạt động “kinh tế vỉa hè” thưa bà?
- Cần tổ chức những con đường, khu vực theo ô phố - đặc thù quy hoạch đô thị, như các tuyến phố văn minh thương mại ở Hà Nội để duy trì và phát triển “kinh tế vỉa hè”, vừa giải quyết nhu cầu sinh sống của người bán, người mua, vừa đảm bảo mỹ quan, trật tự đô thị và có thể khai thác, bảo tồn “văn hóa vỉa hè” như một di sản văn hóa phi vật thể. Tăng cường mạng lưới cửa hàng nhỏ lẻ, siêu thị mini trong các khu vực tập trung dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất… từ đó quy hoạch, cơ cấu lại cho những con phố khang trang sạch đẹp hơn, từng bước hạn chế “kinh tế vỉa hè” và hình thành nên thói quen văn minh đô thị, mua bán hàng hóa trong các trung tâm thương mại đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Chương Võ (Thực hiện)