Kinh hoàng nước bẩn ở “làng ung thư” giữa lòng Hà Nội

ANTĐ - Nước sạch là nhu cầu tối thiểu của con người, nhưng chỉ cách trung tâm Thủ đô chừng 30km, có một ngôi làng mà nước sạch đối với họ là một thứ quá xa xỉ. Nước ăn uống, nước sinh hoạt, rồi nước ngoài đồng ruộng…, tất cả bủa vây xóm làng là cái thứ nước đen sì hoặc nổi váng màu vàng mà người bình thường không dám chạm tay vào. Bất tiện đã đành, nhưng chừng hơn chục năm trở lại đây, người dân trong làng còn phải sống trong lo sợ, vì bóng đen mang tên ung thư đang bao trùm khắp làng, nhiều người trẻ lần lượt ra đi vì căn bệnh này.
Kinh hoàng nước bẩn ở “làng ung thư” giữa lòng Hà Nội ảnh 1

Ám ảnh cuốn sổ tang lễ 

Gia đình chị Trần Thị H, ở thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội vốn đã khó khăn khi hai vợ chồng phải bươn trải nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Thế nhưng mới đây, bi kịch đã ập đến gia đình chị khi chồng chị sau một thời gian mệt mỏi, gầy yếu, đi khám thì phát hiện bị ung thư gan giai đoạn cuối. Đổ bao nhiêu tiền vào chạy chữa mà bệnh không khỏi, cuối cùng cách đây 3 tháng anh đã ra đi trong sự đau đớn, để lại cho chị H một mình nuôi 3 người con. 

Những gia đình có hoàn cảnh như chị H ở làng Lũng Vị nhiều lắm. Những năm gần đây, hai từ “ung thư” trở thành bóng đen ám ảnh người dân thôn Lũng Vị, bởi căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của không ít người trong làng, đa phần ở độ tuổi còn trẻ và đang là trụ cột gia đình. Bao nhiêu gia đình rơi vào cảnh lao đao, hoang mang, vì người thân đang khỏe bỗng nhiên lăn ra bệnh có ít hôm là đã bị bệnh viện “trả về” với cái bệnh án ung thư giai đoạn cuối. Có gia đình chỉ vài năm trở lại đây nhưng có tới 3 người chết vì ung thư, như ba anh em ông Đỗ Văn H, Đỗ Văn T, Đỗ Văn L. Người lớn tuổi nhất trong ba anh em khi mất cũng mới có 49 tuổi. Hay trước đó, có gia tộc cũng mất đi 4-5 người vì căn bệnh ung thư, như hai anh em ông Trần Trọng T, Trần Trọng H và hai người trong họ khác là Trần Trọng A, Trần Trọng C… Tất cả đều mắc ung thư gan, ung thư dạ dày. Có gia đình hai vợ chồng đều mắc ung thư như gia đình anh Đỗ Văn C và chị Trần Thị C… 

Ông Phan Ngọc Kiên mới lên làm trưởng thôn Lũng Vị hơn một năm, nhưng cuốn sổ tang lễ của làng mà ông ghi chép và cho chúng tôi xem khiến chúng tôi không khỏi ám ảnh, thực sự cái tên “làng ung thư” mà người ta đặt cho Lũng Vị, cũng không phải không có cơ sở. Chỉ trong năm 2014, cả làng Lũng Vị với hơn 400 hộ gia đình nhưng có tới 14 người mất, trong đó quá nửa là người chết vì ung thư, tuổi thì đa phần dưới 55. Tình trạng tương tự cũng đã diễn ra cách đây hơn chục năm, các cơ quan chức năng cũng nhiều đoàn về tìm hiểu nguyên nhân nhưng câu trả lời chính xác thì chưa được đưa ra, khiến người dân Lũng Vị luôn sống trong nỗi hoang mang, ám ảnh.

Theo một số liệu thống kê được một chuyên gia nổi tiếng về ung thư đưa ra trong một hội nghị quốc tế về điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam, thì trung bình mỗi năm, làng Lũng Vị có khoảng 6 người chết vì ung thư, chiếm 0,35 trên tổng số dân của thôn. Như vậy, tỷ lệ này cao gấp 4 lần tỷ lệ người chết vì bệnh ung thư trên toàn lãnh thổ Việt Nam hàng năm (tạm tính).

Vì nguồn nước nhiễm bẩn?

Chị Trần Thị H bảo không biết nguyên nhân do đâu mà chồng chị mắc căn bệnh ung thư gan quái ác này, nhưng có một điều chắc chắn đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe, cuộc sống gia đình chị, đó là nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng nề, bằng cảm quan cũng thấy. “Tôi nghĩ khả năng do nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm độc. Nhà tôi có mấy thước đất thôi nhưng phải đào 3 cái giếng rồi, mà cuối cùng không có cái nào ăn được. Nước múc lên, rửa rau là chuyển hết thành màu tím thì ai dám ăn. Nhiều đoàn cũng về đây lấy nước của gia đình tôi đi xét nghiệm, nhưng cũng chưa biết nguyên nhân thế nào.” – chị H lo lắng.

Đến làng Lũng Vị, ập ngay vào giác quan của khách là những ao nước đặc quánh thứ nước đen ngòm, những kênh nước thải bốc mùi ngai ngái, hôi thối xộc thẳng vào mũi, người không quen thì rất khó chịu. Ngay cả giếng làng, là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân Lũng Vị cũng khiến chúng tôi giật mình, bởi nó là thứ nước nổi váng vàng khè. Bà Phan Thị Thực, người dân thôn Lũng Vị cho biết, trước đây giếng làng lúc nào cũng đầy nước trong veo, nhưng chừng 6-7 năm trở lại đây nhiều người lấy nên nước cạn dần rồi cứ đỏ vàng ra. “Chúng tôi đem ấm trà ra rửa thì thấy nước chuyển sang màu xanh như mực Cửu Long ấy, chúng tôi bảo thế này thì không dám ăn nữa, chỉ tắm rửa thôi. Rửa ráy thì cũng phải lọc qua đi mà vẫn bị vàng ố, ngứa ngáy, giặt áo trắng thì cứ thành ố vàng hết. Tết nhất làng cũng không có nước mà ăn, phải lên tít đầu làng lấy nước hoặc đi xin chỗ khác. Dân làng khổ lắm, nhiều người chết vì ung thư lắm rồi, đời chúng tôi đã lo, lo nhất là đời con cháu sau này”. 

Bà Nguyễn Thị Tui, một người dân trong làng cũng than thở, gần chục năm nay gia đình bà toàn phải sang nhà ngoại xin nước chứ không dám ăn  nước ở làng. Nếu có lấy nước giếng ở trong làng thì cũng phải lọc qua mấy lần mới dám ăn. “Nước bơm lên cứ đỏ, nổi váng lên. Chân tay rửa vào nước ấy, cứ dính hết vào chân tay vàng khè, như si cát, cạy mãi không ra”. 

Nước sinh hoạt thì vậy, còn nước ngoài ao ruộng cũng không hơn. Theo người dân Lũng Vị, thì vì vị trí trũng thấp nên làng trở thành cái ao chứa nước thải của các làng xã và đặc biệt là các nhà máy xung quanh. Những ao làng thường xuyên trong cảnh bốc mùi hôi thối, hễ có gió nam là y rằng cả làng phải hứng chịu cái thứ mùi đó, chẳng thể chạy đi đâu. Khổ nhất là phụ nữ đi làm đồng, sau mỗi vụ cấy chân tay đều mẩn ngứa, lở loét.

Mong sớm có nước sạch

Khảo sát quanh làng Lũng Vị, chúng tôi còn nhận thấy Lũng Vị cũng có tới 85% người dân làm nghề truyền thống mây tre giang đan. Việc sử dụng lượng lớn hoá chất lưu huỳnh (diêm sinh) trong quá trình sản xuất, theo các chuyên gia y tế cũng có nguy cơ lớn gây nên các bệnh hô hấp và ung thư. Có thể lượng lưu huỳnh này được phát tán theo đường không khí, cũng có thể ngấm xuống đất, kết hợp với các nguồn ô nhiễm khác gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Theo phản ánh của người dân Lũng Vị thì xung quanh thôn có một số nhà máy trước đây đã xả trực tiếp nước thải ra kênh mương, đồng ruộng khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Hệ thống cống rãnh thì không có nắp đậy nên người dân thường xuyên phải chịu mùi hôi thối. Nhiều hộ gia đình chăn nuôi, làm nghề thủ công, thải nước ra cống, cống không có chỗ thoát nước, đổ dồn hết về một ao, ao đó lại ngấm vào nước sinh hoạt dùng hằng ngày của người dân nên nguồn nước sinh hoạt cũng bị ô nhiễm nặng. Ông Phan Ngọc Kiên, Trưởng thôn cho biết, trong các cuộc họp tiếp xúc với cử tri, đã nhiều lần dân và chính quyền thôn có kiến nghị lên cấp trên nhờ giải quyết, rồi các đoàn về lấy nước đi kiểm nghiệm, nhưng năm sáu năm nay người dân vẫn phải sống chung với nước bẩn. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Tiến, Phó chủ tịch xã Đông Phương Yên cũng cho biết: “Trước năm 2010, có nhiều nhà máy đóng trên địa bản thải nước thải trực tiếp ra đồng ruộng, sau chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp xử lý, nhiều doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, do Lũng Vị là vùng trũng nhất, tất cả nước thải sinh hoạt, sản xuất, nước tiêu úng của các làng xung quanh đều đổ về đây nên nguồn nước vẫn ô nhiễm. Địa phương trước mắt cũng tuyên truyền đến các hộ dân làm công tác thu gom rác thải, sử dụng các thiết bị lọc nước hoặc mua nước sạch về sử dụng. Chúng tôi cũng đã kiến nghị với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý, nhưng đến nay chưa có kết quả rõ ràng”. 

Mới đây, dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của Việt Nam” giai đoạn 1 do Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã công bố kết quả điều tra, khảo sát cho thấy trong số 37 “làng ung thư” được điều tra, trong đó Lũng Vị là một trong những địa phương có nguồn nước ô nhiễm nhất. Dự án cũng đưa ra đánh giá là những làng có nhiều người chết vì ung thư nhất có sự trùng hợp với những làng có nguồn nước sử dụng ô nhiễm nhất. Như vậy, có thể thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa nguồn nước sinh hoạt đến sức khỏe của người dân. Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, để người dân thôn Lũng Vị và các “làng ung thư” khác sớm có nguồn nước sạch phục vụ đời sống.