Kinh hoàng hơn thảm họa, chiến tranh

ANTĐ - "Nhiều nước đang xảy ra chiến tranh cũng không có nhiều người chết như tai nạn giao thông ở Việt Nam", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị An toàn giao thông quốc gia. Chính phủ quyết tâm đẩy lùi tai nạn, giảm ùn tắc tại hai thành phố lớn với mục tiêu giảm số vụ, số người chết, số người bị thương trong phạm vi cả nước từ 5 đến 10%.

Nguyên nhân tai nạn thì quá nhiều, chủ yếu do công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn rất kém; cơ sở hạ tầng được đầu tư không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, việc đào tạo lái xe chưa thật sự nghiêm túc, tình trạng chở quá tải trọng cho phép cũng khiến mất an toàn giao thông.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 10 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 11.000 vụ tai nạn, làm chết hơn 9.200 người và bị thương hơn 8.300 người. Cũng theo con số tổng hợp được, mỗi năm cả nước có gần 12.000 người chết và 9.300 người bị thương do tai nạn giao thông. Chỉ tính riêng trong tháng 9-2011 (Tháng An toàn giao thông quốc gia năm 2011), cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 900 người, hơn 700 người bị thương. Số người chết bằng 75% và số người bị thương bằng 150% tổng số nạn nhân thương vong trong vụ động đất, sóng thần ở Nhật Bản!

Thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra đã và đang là một thảm họa quốc gia nhưng tình hình tai nạn vẫn đang diễn biến phức tạp dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý. Số người chết do tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn cao, các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng còn xảy ra… Lấy 2012 là năm "Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn", phát động phong trào vận động toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc, Bộ Giao thông Vận tải hy vọng hàng năm giảm 5-10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn.

Hàng loạt giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông như quy trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức đối với nhiệm vụ giảm thiểu tai nạn và chống ùn tắc giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm; xử phạt mức cao nhất các hành vi như chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, chở quá tải, dừng đỗ sai quy định... nhưng cũng phải thấy đây là công việc hết sức  phức tạp khi 80% số vụ tai nạn xảy ra do người tham gia giao thông, một bộ phận lái xe tải, xe khách có ý thức kém nên gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng.

Và đúng như Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhận xét: “Từ lâu nay chúng ta đã đổi mới nhiều biện pháp, đưa ra nhiều chủ trương, bộ máy quản lý cũng đồ sộ mà sao vấn đề trật tự an toàn giao thông vẫn không có những bước đột phá. Phải chăng chúng ta đang làm theo kiểu đầu voi đuôi chuột, lúc làm lúc không?”

Vấn đề giao thông đô thị hiện nay đã rất nghiêm trọng, giờ đã đến lúc phải làm ngay, đã nói là làm. Xin lấy đề xuất của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo như một phương thức khẩn cấp xóa bỏ tai nạn giao thông. Mỗi người phải tự thay đổi nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông, phải coi việc giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mình và toàn xã hội, mà không phải chỉ là việc của riêng hai ngành giao thông và công an.