Kinh doanh vũ khí toàn cầu: Tây Âu - Mỹ sụt giảm, Nga đắt hàng

ANTĐ - Mặc dù có thị phần giảm, các nhà sản xuất vũ khí Bắc Mỹ và Tây Âu vẫn thống trị lĩnh vực buôn bán vũ khí quốc tế, trong khi đó các công ty Nga và châu Á lại có doanh thu kinh doanh vũ khí tăng lên đáng kể trong năm 2014.

Vào hôm nay (14-12), Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SPIRI) công bố doanh thu của 100 công ty buôn bán vũ khí lớn nhất thế giới, qua đó, tổng doanh thu đạt 401 tỉ USD, giảm 1,5% so với năm 2013 và đây cũng là lần giảm thứ 4 liên tiếp.

Lockheed Martin vẫn là nhà buôn bán vũ khí lớn nhất  

Nhà sản xuất vũ khí lớn nhất nước Mỹ Lockheed Martin cũng đồng thời có doanh thu cao nhất trong năm 2014, đạt 37,5 tỉ USD, tăng 3,95% so với năm 2013.
Các công ty Tây Âu và Mỹ tiếp tục áp đảp trong Top 100 với tổng cộng 80% thị phần, tuy nhiên, tổng doanh thu lại giảm 3,2% trong năm 2014.
"Ở các nước Tây Âu, một phần lớn trong chi tiêu quốc phòng chính là để mua sắm. Sẽ là dễ dàng hơn khi cắt giảm những khoản cần mua hơn là giảm lương", nhà nghiên cứu Siemon Wezeman tại SIPRI nhận định,
Trong khi đó, 36 công ty còn lại trong danh sách có doanh thu tăng vọt lên 25%, trong đó, riêng các công ty Nga đã chiếm đến một nửa.
Công ty hàng đầu của Nga là Almaz-Antey, đứng thứ 11 trong danh sách chung với doanh thu đạt 8,84 tỉ USD. Phần lớn vũ khí Nga được bán cho lực lượng vũ trang của nước này, tuy nhiên, Nga cũng có các khách hàng lớn khác như Trung Quốc và Ấn Độ. Moscow vẫn cung cấp vũ khí cho Syria kể từ thời Liên-xô đến nay, nhưng số lượng đang ít dần do cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm khiến Damascus không còn đủ khả năng tài chính để mua vũ khí Nga.

Doanh thu của các công ty Nga tăng mạnh trong năm 2014 

Ngoài ra, doanh thu buôn bán vũ khí của Nga cũng không hề bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thậm chí có vẻ như điều này chỉ hối thúc Moscow đi tìm thêm các thị trường thay thế và các công nghệ mới.

Trong khi đó, do có xích mích với Nga mà doanh thu buôn bán vũ khí của Ukraine giảm bớt 37,4%.

Một vài công ty đáng chú ý khác nhưng không thuộc nhóm phương Tây hoặc Nga bao gồm 2 nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kì là ASELSAN, doanh thu tăng 5,6% trong năm 2014 nhưng lại rơi từ vị trí 66 xuống 73 hay Công ty Công nghiệp Hàng không Thổ Nhĩ Kì (TAI) xuất sắc đi từ vị trí 100 lên 89, với mức tăng trưởng doanh thu 15,1%.

Các công ty Hàn Quốc cũng củng cố được vị trí của mình tại thị trường mua bán vũ khí quốc tế. Trong đó, hãng Hyundai Rotem có doanh thu từ 430 triệu USD năm 2013 lên 770 triệu USD năm 2014. Có tổng cộng 15 công ty châu Á, không bao gồm Trung Quốc, nằm trong top 100. SIPRI không thống kê các công ty Trung Quốc do sự thiếu tin cậy của dữ liệu kinh doanh.