Kiên trì và kiên quyết

ANTĐ - Cho tới lúc này, chưa có một quốc gia, tổ chức quốc tế hay chuyên gia, học giả nước ngoài nào ủng hộ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam. Tất cả đều chỉ trích Trung Quốc không chỉ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn coi thường luật pháp quốc tế. Các nước ASEAN bày tỏ mối “quan ngại đặc biệt”, trong đó Indonesia, Singapore, Malaysia cho biết sẽ can dự vào vấn đề Biển Đông. Theo đề xuất của một số chuyên gia, đây là thời điểm chín muồi để đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, nếu như Việt Nam đã làm mọi cách mà Trung Quốc vẫn không chịu rút giàn khoan.

Một chuyên gia của Tổ chức nghiên cứu The Heritage (Mỹ) nhận xét, giàn khoan Hải Dương 981 có chức năng tương tự căn cứ hải quân hoặc tàu sân bay. Chủ tịch Tổng công ty dầu khí Hải Dương, Trung Quôc từng tuyên bố, những giàn khoan nước sâu là lãnh thổ quốc gia di động. Theo đánh giá của một số chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã có những phản ứng chuẩn xác khi đưa lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư ra đấu tranh với chính sách “pháo hạm” của Trung Quốc, tránh sa vào bẫy quân sự. Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam cần vận động các nước ASEAN để thuyết phục rằng, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã và đang đe dọa lợi ích và an ninh khu vực. Bất cứ vì lý do gì, Việt Nam cũng cần ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc vì vụ kiện này là để chứng minh sự phi pháp của “đường lưỡi bò”.

Thực ra, “lưỡi bò” này gây thiệt hại nhiều nhất cho Việt Nam vì có lãnh hải dài nhất ở Biển Đông. Vì thế, nếu Việt Nam không cùng các nước khác bảo vệ quyền lợi của chính mình thì khó thuyết phục các nước ít bị thiệt hại hơn hay chưa bị thiệt hại cùng lên tiếng ủng hộ trong lúc “nước sôi lửa bỏng” này. Một số chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan kéo theo tàu hải giám, hải cảnh, tàu chiến và máy bay không chỉ đe dọa Việt Nam mà còn gây mất an ninh khu vực. Do vậy, Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào cũng có thể kiện Trung Quốc trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tất nhiên, Hội đồng này sẽ tranh luận nhưng không ra được quyết định vì Trung Quốc sẽ phủ quyết. Song, dù sao đây cũng là cơ hội để Việt Nam và các nước ủng hộ trình bày công khai cả một quá trình Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa trước dư luận thế giới. Song song với việc làm này, Việt Nam và các nước khác có thể đưa Trung Quốc ra trước Đại hội đồng Liên hợp quốc để được thảo luận và đưa ra một nghị quyết để tố cáo những hành động của Trung Quốc. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều nước nhỏ đã đấu tranh như vậy và thu được kết quả tốt.

Thế giới ngày nay đã khác trước, có nhiều cách để ứng xử, không thể dùng bạo lực nước lớn để uy hiếp nước nhỏ. Hành động của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn và “cao hơn một cái đầu”. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài về pháp lý và trí tuệ. Kiên trì và kiên quyết, giữ tinh thần sáng suốt và khôn khéo, chúng ta có thể biến nguy thành an.