Kiên quyết không để bùng phát dịch bệnh
(ANTĐ) - Hôm qua, 3-11, tại Hà Nội trời đã ngớt mưa, song còn rất nhiều điểm trên địa bàn, cả nội thành và ngoại thành vẫn ngập nước. Bên cạnh công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của thành phố lúc này là nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh sau bão lũ, như: Bệnh tiêu hóa, đau mắt đỏ, nước ăn chân, sốt xuất huyết...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đống Đa |
Phát bổ sung hơn 4 tấn cloramin B cho các quận, huyện
Sáng qua, Sở Y tế Hà Nội đã triệu tập buổi họp khẩn cấp với lãnh đạo 29 Trung tâm Y tế quận, huyện của thành phố về công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả và phòng chống dịch bệnh sau bão lũ. Theo báo cáo nhanh từ các Trung tâm Y tế trên địa bàn Hà Nội, cho đến sáng qua vẫn còn rất nhiều Trạm Y tế, Trung tâm Y tế, BV huyện bị ngập nước, nặng nề nhất là các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Mê Linh.
Cụ thể, tại Mê Linh, thị trấn Quang Minh bị ngập trắng xóa trong làn nước, nhiều bệnh nhân được vận chuyển bằng xuồng đến trạm y tế điều trị. Ngay trong chiều qua, TTYTDP thành phố đã cử một đội cơ động xuống Quang Minh để hướng dẫn khử khuẩn nguồn nước, môi trường và điều tra dịch tễ. Theo đó, có 4 bệnh nhân bị tiêu chảy đang điều trị tại Trạm Y tế thị trấn Quang Minh, nhưng đây đều là ca tiêu chảy thông thường.
Tại huyện Chương Mỹ đến hôm qua đã ghi nhận 4 ca chết vì điện giật, 2 nạn nhân chết do đuối nước. Ông Nguyễn Văn Bộ - Phó Giám đốc TTYT Chương Mỹ cho biết, hiện Chương Mỹ vẫn còn 2.190 hộ trong tình trạng ngập lụt, 18/32 xã, thị trấn có nước tràn, 2 trạm y tế (trong đó có Trạm Y tế thị trấn Xuân Mai) bị ngập hoàn toàn. Lượng cloramin B trong kho của TTYT đã sử dụng gần hết, chỉ còn 2 tạ, dự kiến phải có khoảng 6 tạ đến 1 tấn mới đủ để xử lý môi trường, nguồn nước trên địa bàn.
Cũng trong ngày hôm qua, TTYTDP thành phố đã tổ chức phân phát bổ sung các hóa chất khử khuẩn cho các TTYT quận, huyện như hóa chất cloramin B, phèn chua (làm nước trong), thuốc diệt ruồi, rán, thuốc sát khuẩn con bọ rùa... Ông Đỗ Lê Huấn - Giám đốc TTYTDP Hà Nội đặc biệt cảnh báo tới TTYT các quận nội thành phải kiểm tra hàng ngày lượng cloramin B tại các trạm nước, sao cho nồng độ cloramin B trong nước sinh hoạt luôn đảm bảo độ dư từ 0.6mg/lít trở xuống.
Bởi hiện có nguồn tin một số bể nước sinh hoạt trong thành phố đã bị ngấm nước. Với riêng 100 điểm ngập nặng nhất, TTYTDP thành phố đã phát bổ sung cho mỗi điểm 350kg cloramin B để xử lý nguồn nước và môi trường. Các TTYT khác, trung bình mỗi trung tâm được phát bổ sung 70kg hóa chất này.
Trước tình hình khẩn cấp đó, ngay trong sáng qua, Sở Y tế tiếp tục thành lập 6 đoàn kiểm tra do lãnh đạo Sở trực tiếp chỉ đạo đi kiểm tra, giám sát và hướng dẫn công tác thu dung, khám cấp cứu bệnh nhân tại các quận, huyện, ngăn chặn dịch bệnh, nhất là ưu tiên các quận, huyện bị ngập lụt nặng như thành phố Hà Đông, huyện Chương Mỹ, Mê Linh...
Chiều qua, Bệnh viện Đống Đa vẫn ngập nước |
Phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ hàng đầu
Chiều qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trực tiếp xuống thăm và chỉ đạo công tác thu dung, khám chữa bệnh tại BV Đống Đa, Hà Nội. Hiện tại, khuôn viên sân của BV Đống Đa vẫn ngập sâu trong nước.
Theo bà Bùi Thị Phương - Phó Giám đốc, BV vẫn đảm bảo tự cung cấp đủ thức ăn cho 250 bệnh nhân đang nằm điều trị. Trong số các bệnh nhân mới đến điều trị tại BV từ ngày mưa đầu tiên, 31-10 đến nay, có những trường hợp bị rối loạn tiêu hóa khá nặng.
Sáng qua, khoa Hồi sức cấp cứu ở tầng 1 của BV đã được khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ để đón bệnh nhân mới. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đánh giá cao những nỗ lực của Sở Y tế, của BV Đống Đa trong công tác thu dung, cấp cứu bệnh nhân. Bộ trưởng chỉ đạo, ngay sau khi nước rút, BV phải khử khuẩn, sát trùng vệ sinh môi trường để tiếp đón bệnh nhân, không làm lây lan dịch bệnh.
Về phía Sở Y tế Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu yêu cầu phải giám sát chặt chẽ nguồn nước sinh hoạt của dân, đặc biệt là các huyện ngoại thành, những làng nghề. Cần phải lên kế hoạch chi tiết về việc xử lý rác thải, vệ sinh môi trường thành phố sau khi nước rút, với phương châm kiên quyết không để dịch bệnh xảy ra.
Đồng thời phải lên bản đồ dịch tễ thành phố, giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch bệnh để kịp thời dập tắt sớm. Hiện tại, ngoài một số dịch bệnh thường bùng phát sau mưa lũ như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ, nước ăn chân... nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội sau bão rất lớn. Bởi hiện đang là đỉnh mùa dịch sốt xuất huyết ở phía Bắc, nguyên trong tháng 10, Hà Nội đã có hơn 400 bệnh nhân bị bệnh này.
Ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, Cục sẽ thành lập đội phản ứng nhanh đi lấy mẫu thực phẩm tại các chợ, thức ăn đường phố để xét nghiệm. Nguy cơ thực phẩm ô nhiễm vi sinh vật là đáng ngại nhất sau mưa lũ.
Về phí y tế dự phòng, ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường đề nghị dân trong nội thành Hà Nội không sử dụng nước giếng để sinh hoạt trong những ngày đầu sau mưa lũ mà chỉ dùng nước nhà máy hoặc nước đóng chai. Với khu vực ngoại thành, các giếng nước phải được khử khuẩn kỹ mới cho sử dụng.
Tiến Hưng