Kiểm tra VSATTP: Hời hợt, qua loa
(ANTĐ) - Luật An toàn thực phẩm vừa được Quốc hội thông qua quy định chặt chẽ hơn việc quản lý chất lượng thực phẩm. Tuy nhiên, với tình trạng quản lý, kiểm tra, hậu kiểm VSATTP kiểu hời hợt, qua loa như hiện nay, quy định có chặt mấy cũng khó mang lại hiệu quả.
Kiểm tra dụng cụ chế biến thực phẩm tại một bếp ăn tập thể |
Gần 100% cơ sở có vi phạm
Theo kết quả thanh tra, kiểm tra VSATTP trên toàn quốc trong Tháng hành động về chất lượng VSATTP năm 2010 vừa được Cục ATVSTP - Bộ Y tế thông báo, có đến 67,11% số cơ sở được kiểm tra có vi phạm với các mức độ khác nhau. Thậm chí, tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được thanh tra có vi phạm là... 100%. Các hình thức vi phạm chủ yếu vẫn là điều kiện vệ sinh cơ sở không đảm bảo (chiếm 40-50%), vi phạm về công bố tiêu chuẩn sản phẩm (khoảng 20%), vi phạm về ghi nhãn (20-25%), vi phạm về quảng cáo thực phẩm (25-30%)... Một số địa phương còn phát hiện một số mẫu bàn tay và dụng cụ chế biến thực phẩm có chứa vi khuẩn tụ cầu trùng vàng hoặc vi khuẩn kỵ khí vượt quá tiêu chuẩn cho phép, nguy cơ gây ngộ độc rất lớn cho người sử dụng.
Có đến quá một nửa số cơ sở vi phạm (54,28%) nhưng không hề bị xử lý gì, đặc biệt ở tuyến huyện, xã lên đến trên 60%. Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, việc thanh kiểm tra VSATTP đã được đẩy mạnh hơn nhưng tình hình xử lý vi phạm vẫn chưa nghiêm, đa phần mới dừng ở mức nhắc nhở. Đặc biệt, các cơ sở thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai có tỷ lệ vi phạm khá cao song tỷ lệ bị xử lý được báo cáo lại thấp hơn rất nhiều lần. Thậm chí ngay tại tuyến tỉnh, việc xử lý vi phạm cũng chưa kiên quyết, điển hình như Hà Giang, Yên Bái, Nam Định, Quảng Trị, Trà Vinh.
Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm liên quan đến rất nhiều mảng, lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, tuy nhiên hầu hết các địa phương mới chỉ tập trung vào thanh, kiểm tra tại các cơ sở do ngành y tế chủ trì quản lý mà gần như bỏ qua việc kinh doanh thực phẩm trong các lĩnh vực thú y, thực vật, thủy sản, khoa học và công nghệ... Số đoàn, số lượt kiểm tra tăng lên song thực tế không ít đoàn chỉ tiến hành kiểm tra một cách qua loa cho có.
Sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa
Khi số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn tiếp tục tăng, tình trạng kiểm tra và xử lý vi phạm vẫn chưa được thực hiện quyết liệt, chưa có sức mạnh răn đe thì điều kéo theo tất yếu là số vụ ngộ độc thực phẩm cũng tiếp tục tăng, sức khỏe người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị đe dọa. Thực tế, những địa phương có tình trạng xử lý vi phạm về VSATTP còn yếu kém, thiếu kiên quyết như Hà Giang, Yên Bái... cũng chính là những tỉnh có số vụ ngộ độc thực phẩm cao nhất cả nước.
TS Trần Thu Liễu, Trưởng phòng Giáo dục truyền thông - Cục ATVSTP cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước đã xảy ra 92 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 700 người mắc, 485 người phải nhập viện và 11 ca tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số vụ ngộ độc tăng 23 vụ (35,4%), số người mắc tăng 8,9%, số người đi viện tăng 16,2% và số ca tử vong tăng 14,3%. Trong số này có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn với số người mắc và nhập viện trên 30 người. Căn nguyên gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do nấm, thực phẩm bị nhiễm Vibrio Cholera, histamine trong cá biển, ngộ độc cá nóc, ngộ độc do độc tố sam biển, ecoli…
Luật ATTP vừa được thông qua sẽ chính thức có hiệu lực từ 1-7-2011. Một trong những điểm mới nhất của luật so với quy định hiện hành là quy định cụ thể về vai trò, chức năng của thanh tra chuyên ngành thực phẩm, trong đó quỹ định rõ lực lượng thanh tra chuyên ngành thực phẩm của Bộ Y tế có quyền thanh tra lại kết quả thanh tra của các bộ, ngành, các địa phương về ATTP. Các ý kiến của Ban soạn thảo Luật cho rằng quy định này sẽ giúp chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả của công tác thanh kiểm tra VSATTP, hạn chế bớt tình trạng thanh kiểm tra một cách hời hợt như hiện nay. Song với những gì đang tồn tại kể trên, để luật có thể đi vào thực tiễn rõ ràng còn rất nhiều việc cần làm.
Duy Tiến