Kiểm tra và xử lý nghiêm khắc biển báo gây mất mỹ quan

(ANTĐ) - Hoạt động của bất kể công ty, doanh nghiệp, hay các cửa hàng kinh doanh nào dù lớn hay nhỏ đều không thể thiếu được biển hiệu. Ngày nay, biển hiệu nhan nhản trên khắp đường phố của Hà Nội. Và, xung quanh chuyện biển hiệu quả là có nhiều điều muốn nói.

Kiểm tra và xử lý nghiêm khắc biển báo gây mất mỹ quan

(ANTĐ) - Hoạt động của bất kể công ty, doanh nghiệp, hay các cửa hàng kinh doanh nào dù lớn hay nhỏ đều không thể thiếu được biển hiệu. Ngày nay, biển hiệu nhan nhản trên khắp đường phố của Hà Nội. Và, xung quanh chuyện biển hiệu quả là có nhiều điều muốn nói.

Biển hiệu phản cảm

Nhiều quán nhậu, hàng ăn, quán karaoke muốn tạo ấn tượng cho khách hàng đã lấy biểu hiệu như “100%...”, “50% đi...” hay “Một lần để nhớ...”. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là tại đầu đường Lê Duẩn sát với hồ Ba Mẫu, đối diện với Công viên Thống Nhất có cửa hàng nằm trong khu vực hành lang đường sắt treo biển hiệu “Nhà đất”. Nhưng ngay bên cạnh đó lại rất nhiều biển hiệu nhỏ khác như “trĩ”, “tổ đỉa”. Còn trên nóc nhà lại có tấm biển “Kinh doanh thực phẩm chay”... Nhìn những tấm biển đó có lẽ nhiều người không khỏi thắc mắc nghề chính của chủ cửa hàng này là môi giới nhà đất hay chữa trĩ và tổ đỉa...

Biển hiệu tràn lan gây mất mỹ quan môi trường

Biển hiệu tràn lan gây mất mỹ quan môi trường

Ngay đầu phố Yên Phụ nối với đường Thanh Niên có một cửa hàng thời trang nho nhỏ có biển hiệu “Sex Fashion”, khiến nhiều người biết thông thạo ngoại ngữ qua đây cứ tròn mắt vì cái tên “khác người” đó. Có nhiều lời bông đùa từ cái tên biển hiệu ấy, nên chỉ một thời gian ngắn cái biển hiệu ấy không còn ở vị trí đó nữa. Trên nhiều đường phố, mọi người còn bắt gặp nhiều biển hiệu cửa hàng thời trang cho giới trẻ với tên của các loài côn trùng như “Muỗi”, “Cánh cam”, “Kiến vàng”... Và còn rất nhiều cửa hàng, các công ty lại xính tiếng nước ngoài để đặt tên cho biển hiệu của mình rất phản cảm, cười ra nước mắt.

Sẽ quản lý chặt chẽ hơn

Có du khách nước ngoài cho rằng biển hiệu đặt trước cửa những ngôi nhà mặt phố ở Hà Nội giống như đường phố bị đeo khẩu trang vậy. Quả nhiên, nếu đi trên đường phố nào của Hà Nội, mọi người sẽ bắt gặp có cửa hàng kinh doanh cho một hãng gas nào đó, nên toàn bộ phía ngoài ngôi nhà từ tầng cao nhất trở xuống đều có màu sơn trùng với màu của bình gas hãng đó. Hoặc có ngôi nhà cao bao nhiêu thì biển hiệu kéo dài bấy nhiêu và vây kín các hướng của ngôi nhà. Đơn cửa như trên phố Nguyễn Khuyến có một ngôi nhà cao tầng treo biển hiệu của Công ty Nitt kín gần hết ngôi nhà, từ xa mọi người hầu như không nhìn thấy ngôi nhà đó ngoài tên của công ty. Nằm trong khu vực hành lang đường sắt trên trục đường Giải Phóng có một quán game mang tên “Hỏa xa”. Biển hiệu này rất bình thương như bao tên của các quán game, nhưng nó đặc biệt ở chỗ toàn bộ mặt tiền bên ngoài quán là một toa tàu... Trước đây có người đã lầm tưởng đây là toa tàu bỏ không của ngành đường sắt, nhưng thực ra toa tàu đó là biển hiệu “độc quyền” của quán này.

Còn rất nhiều các loại biển hiệu “quái gở” nữa đã làm xấu, bôi bẩn bộ mặt đô thị của đường phố Hà Nội mà chúng tôi không thể thống kê hết được.  Hiện tại biển hiệu không chỉ xuất hiện trên các đường phố, mà còn xuất hiện nhiều tại các nút giao thông, phía trước các khu vực công cộng, các tòa nhà lớn... ngày càng nhiều. Không ít biển hiệu to như biển quảng cáo, và nhiều công ty quảng cáo đã núp bóng các loại biển hiệu đó để quảng cáo sản phẩm.

Theo Thanh tra Sở VH-TT&DL Hà Nội, biển hiệu để đánh dấu hoạt động của một doanh nghiệp, một công ty, hay các cửa hành kinh doanh nào đó. Nhưng trong thời gian qua do chưa có quy định quản lý biển hiệu nên đường phố Hà Nội đang loạn các biển hiệu, gây mất mỹ quan đô thị. Nhiều công ty quảng cáo đã lợi dụng biển hiệu để hoạt động quảng cáo trá hình mà không cần xin phép của cơ quan chức năng, gây phức tạp trong quản lý. Vì vậy trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý các loại biển hiệu, đồng thời sẽ có  quy định về biển hiệu, theo đó mỗi biển hiệu không được rộng quá 6m2, không được cao hơn 1,5m... để bảo đảm văn minh đô thị cho đường phố của Thủ đô.

Thanh Yên