- Hệ thống giám sát chưa ổn định, trạm BOT Hà Nội-Bắc Giang thu phí chênh hơn 80 triệu đồng/ngày
- Hàng loạt dự án BOT sẽ phải giảm thời gian thu phí
- Lo bị "treo", Bộ GTVT không muốn quy hoạch trạm thu phí
Nhiều trạm thu phí BOT bị kiến nghị giảm thời gian thu phí
Vì sao những tồn tại, sai phạm tại các dự án đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thực hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) lại nhiều như vậy? Giải pháp nào để khắc phục những hạn chế, tồn tại này?
Nhiều dự án “tự tung tự tác”
Kiểm toán Nhà nước (KTNT) Việt Nam cho biết, qua kiểm toán 27 dự án BOT, có tới 11/27 dự án tính toán xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác, làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng. Một số dự án lớn tăng tổng vốn đầu tư ban đầu lên 100%. KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.358 tỷ đồng.
Về vị trí trạm thu phí BOT, có tình trạng nhiều trạm thu phí cho dự án BOT nhưng lại đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án, dẫn đến người dân không đi trên đường được đầu tư bằng BOT nhưng vẫn phải trả phí. Hơn nữa, theo quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí BOT tối thiểu là 70km, sự chấp thuận giữa Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Bộ Tài chính và địa phương đã tạo điều kiện cho mật độ trạm thu phí BOT càng dày đặc thêm, không đảm bảo quy định.
Đặc biệt, về phương án thu phí của nhà đầu tư các dự án BOT, sau khi rà soát các chỉ tiêu đầu vào, tính toán lại phương án tài chính sát thực tế, phù hợp quy định, KTNN đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu. Chỉ qua kiểm toán 27 dự án, đã có tới 80% số dự án phải rút ngắn thời gian thu phí với tổng cộng gần 100 năm.
Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng, kết quả kiểm toán giúp người dân giảm được rất nhiều tiền phải trả cho nhà đầu tư. Thực tế nhiều vi phạm trong đầu tư các dự án BOT cho thấy vai trò mờ nhạt của các cơ quan quản lý Nhà nước, dẫn đến nhiều nhà đầu tư BOT “tự tung tự tác”.
Bộ, ngành phải vào cuộc
Phó Tổng KTNN Nguyễn Quang Thành phân tích, những hạn chế, vướng mắc trong đầu tư và khai thác các dự án BOT thời gian qua là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành kịp thời, còn thiếu chặt chẽ. Theo quy định hiện hành, lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định qua 2 trường hợp là đấu thầu và chỉ định thầu, song trong cả 2 trường hợp đều rất khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát.
Cụ thể, “đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định theo kết quả lựa chọn nhà đầu tư”, tức không quy định trần lợi nhuận, do vậy rất khó kiểm soát. Vẫn theo ông Nguyễn Quang Thành, chi phí quản lý của nhà đầu tư hiện cũng chưa có quy định cụ thể. Thực tế qua kiểm tra, KTNT nhận thấy giữa các dự án có sự chênh lệch lớn. Đặc biệt, Hợp đồng dự án là tài liệu rất quan trọng nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể.
Trước thực tế trên, KTNN kiến nghị Bộ GTVT xem xét các chỉ tiêu có sự sai lệch (giữa thực tế phát sinh và phương án tài chính trong Hợp đồng BOT gốc) để xác định chính xác thời gian hoàn vốn của dự án. Đặc biệt, phải nghiên cứu và đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện thật sự hiệu quả qua các trạm thu phí BOT, kiểm soát doanh thu thực tế để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Bộ Tài chính cần bổ sung quy định cụ thể về xác định lợi nhuận của nhà đầu tư đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư. Quan trọng là phải đảm bảo tất cả các trạm BOT đều tuân thủ khoảng cách tối thiểu 70km...
Co giãn thời gian thu phí là bình thường
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, tại các hợp đồng BOT, thời gian thu phí ban đầu chỉ là dự kiến do một số dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu.
Bộ GTVT đã quy định trong tất cả các hợp đồng BOT, dự án sau khi đầu tư xây dựng và quyết toán được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận sẽ phải xác định lại thời gian thu phí. Đồng thời, khi lưu lượng xe tăng hoặc giảm so với phương án dự kiến ban đầu cũng vẫn phải điều chỉnh lại thời gian thu phí.
Trên cơ sở kết quả công bố của KTNN và các cơ quan thanh tra, Bộ GTVT mới lấy giá trị cuối cùng để tiến hành quyết toán dự án với nhà đầu tư và khi đó mới xác định thời gian thu phí chính thức của dự án. Do vậy, nhiều công trình sau khi quyết toán sẽ giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu là chuyện hết sức bình thường..
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, KTNN chỉ ra mức chênh lệch và đề nghị giảm thời gian thu phí là căn cứ giữa tổng mức đầu tư tạm tính và giá trị thực tế của dự án khi hoàn thành. Bộ GTVT đang rà soát các dự án BOT, tính toán lại hợp đồng BOT. Sau khi quyết toán sẽ có phương án giảm mức phí hoặc thời gian thu phí của từng dự án cụ thể.