Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được cải thiện liên tục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2020, được công bố sáng 14-4, cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ Việt Nam liên tục được cải thiện.
Người dân nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công

Người dân nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công

Ngày 14-4, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam đã công bố công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020.

Theo UNDP Việt Nam, báo cáo đánh giá trải nghiệm của người dân đối với hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền trong quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công.

Cũng như các năm trước, Báo cáo PAPI 2020 cung cấp kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh trên 8 chỉ số nội dung (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; và Quản trị điện tử), cũng như điểm PAPI tổng hợp.

Kết quả trình bày trong báo cáo cho thấy kể từ năm 2016, lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công đã được cải thiện đáng kể qua từng năm. Trách nhiệm giải trình với người dân cũng từng bước được cải thiện trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngày càng có nhiều người dân tương tác với chính quyền cấp cơ sở, nhất là với trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và đại biểu HĐND. Trong khi đó, điểm số của những lĩnh vực tham gia của người dân ở cấp cơ sở (Chỉ số nội dung thứ 1) và Thủ tục hành chính công (chỉ số nội dung thứ 5) cho thấy có sự giảm sút.

Năm 2020 cũng là năm thứ năm liên tiếp hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tiếp tục được người dân ghi nhận có bước chuyển biến tích cực, nhờ đó niềm tin đối với chính quyền các cấp cũng tăng lên.

Theo Chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, có tới 9 trong 10 địa phương dẫn đầu ở chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kiểm soát sáu loại hành vi tham nhũng ở cán bộ, công chức là các tỉnh miền Trung và phía Nam; 18 tỉnh, thành phố có tiến bộ rõ rệt về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền so với kết quả năm 2019.

Ngoài ra, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Quảng Trị và Quảng Nam là 5 tỉnh dẫn đầu ở chỉ tiêu đo lường mức độ hiệu quả kiểm soát một số hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức.

Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen khẳng định, những phát hiện nghiên cứu nổi bật từ Báo cáo PAPI 2020 là hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong hai nhiệm kỳ (2011-2016 và 2016-2021); trải nghiệm tiếp cận dịch vụ công của người tạm trú tại các tỉnh tiếp nhận nhiều nhập cư và quan điểm của cử tri về vai trò lãnh đạo của phụ nữ.

Báo cáo PAPI 2020 được công bố đúng vào thời điểm Chính phủ bắt đầu một nhiệm kỳ mới sẽ cung cấp dữ liệu sâu rộng về trải nghiệm người dân trong quá trình tương tác với bộ máy chính quyền các cấp của 63 tỉnh, thành phố. PAPI cũng là thước đo quan trọng để các tỉnh, thành phố xem xét và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động ở tám lĩnh vực quản trị và hành chính công.

Năm 2020, có 8 địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số nội dung của PAPI năm 2020 gồm Thái Nguyên (tham gia người dân cấp cơ sở), Quảng Ninh (công khai minh bạch), Quảng Bình (trách nhiệm giải trình với người dân), Quảng Ninh (kiểm soát tham nhũng khu vực công), Trà Vinh (thủ tục hành chính công), Đồng Tháp (Quản trị môi trường) và Đà Nẵng (Quản trị điện tử).