“Kích” sao cho trúng
(ANTĐ) - Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 và 2 tăng ở mức thấp kỷ lục trong vòng tám năm trở lại đây. Tháng 3 giảm khoảng 0,02% trở lại mức “âm”, khiến chỉ số giá tiêu dùng quý I-2009 chỉ tăng khoảng 1,47%. Số liệu sơ bộ này của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, vốn kích cầu dường như đã không trúng chỗ, hoặc đã đúng nhưng cần đẩy nhanh cho vay kích cầu hơn nữa.
Với thực trạng của nền kinh tế nước ta, một số chuyên gia dự báo, có nhiều khả năng đây chỉ là bước khởi đầu của một xu thế biến động giá tiêu dùng trong khoảng sáu tháng giữa năm. Đó là, giá tiêu dùng sẽ giảm, nếu không thì cũng chỉ khẽ “rung rinh” như tháng 3 này.
Một hiện tượng đã thành quy luật: sau “mùa” tiêu dùng lớn nhất trong năm, “quả bóng” giá tiêu dùng sẽ... xì hơi. Tuy nhiên, lần xì hơi này không bình thường đến mức gần như “hết hơi”. Chính các nhà quản lý đã tính toán rằng, với việc tăng giá điện tác động trực tiếp, giá tiêu dùng sẽ tăng 0,25-0,3%. Nếu tính cả tác động gián tiếp chắc chắn sẽ còn cao hơn nhiều. Thị trường đã không thể “dửng dưng” trước việc tăng giá điện.
Song đó chỉ là một tác nhân. Giá tiêu dùng là “nhiệt kế” đo “sức khoẻ” của nền kinh tế cho thấy sức mua yếu đến mức nào do phải chịu những “đòn” nặng của cuộc khủng hoảng tài chính và “đại suy thoái” kinh tế toàn cầu. ở thời điểm này, đúng như lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư tại phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế 3,1% của quý 1 này là một “tin mừng và khả quan”.
Tuy thế, không thể phủ nhận mức tăng này chưa bằng 4,2% của cùng kỳ năm 2008 và càng đuối hơn cùng kỳ năm 2007. Dĩ nhiên tốc độ tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra, có thể nói khó được như mong muốn. Trong tình trạng kinh tế gần như chắc chắn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng chậm và chững dần, đồng nghĩa với thu nhập của đại đa số dân cư sẽ “trượt dốc” nhanh hơn và sức mua tăng chậm, chẳng khác gì chiếc phanh kìm hãm giá tiêu dùng khó có thể nhích lên mạnh và nếu tăng thì cũng được vài centimét.
Trong khi đó, do “cầu kéo” suy yếu ở cả nước ngoài lẫn trong nước, thể hiện hết sức rõ nét qua tình trạng “đoàn tàu” xuất khẩu qua 2 tháng “chạy lùi”, thì giá tiêu dùng đang tiếp tục bị áp lực hạ từ thị trường thế giới. Mặt bằng thế giới hầu như “rơi tự do” mạnh hơn nhiều so với các dự báo từ tháng 8-2008 đến nay. Nếu kỷ lục của “mọi thời đại” vào tháng 7-2008 là 219 điểm phần trăm, thì giá nguyên liệu thế giới tháng 2 vừa qua chỉ còn 97,7 điểm phần trăm, có nghĩa là đã giảm tới 55,5%.
Nền kinh tế nước ta vốn phụ thuộc nặng vào nguyên liệu nhập khẩu, giá tiêu dùng đã bắt đầu giảm từ quý 4-2008, còn quý 1-2009 tăng chút ít là do những điều kiện đặc thù. Sức ép của thị trường thế giới đến giá tiêu dùng trong nước ngày càng lớn.
Mặc dù khoảng 150.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất trong hai tháng 2 và 3 đã được giải ngân mà giá tiêu dùng trong tháng 3 vẫn giảm. Điều này chứng tỏ, vốn kích cầu tung ra đã không “rơi” đúng chỗ cần hiệu chỉnh. “Kích” sao cho trúng và cần đẩy nhanh cho vay kích cầu mạnh hơn nữa. Phải xem lại, vì sao nhiều ngân hàng đang cho vay kích cầu mà vẫn không làm chỉ số giá tiêu dùng gia tăng.
Đan Thanh