Kịch bản “quyết so găng”

ANTĐ - Việc Phái bộ giám sát của Liên hợp quốc (LHQ) tại Syria (UNSMIS)chấm dứt hoạt động tại nước này mà không thu được kết quả nào trong khi chiến sự vẫn tiếp diễn là bằng chứng cho thấy hai phe đối đầu ở Syria quyết phân định thắng thua trên chiến trường.

Chiến sự ở Aleppo vẫn diễn ra căng thẳng

Sứ mệnh của UNSMIS đã kết thúc từ nửa đêm 19-8 sau 4 tháng hoạt động. Được triển khai trong khuôn khổ kế hoạch hòa bình 6 điểm do cựu Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) phụ trách về Syria Kofi Annan, từ con số 300 thành viên lúc đầu, do tình trạng bạo lực ngày càng leo thang từ giữa tháng 6, Hội đồng Bảo an đã cắt giảm phái bộ này xuống còn 150 người và nay là dừng hoạt động. Ông K. Annan đã từ chức vì bất lực còn Trưởng phái bộ UNSMIS là tướng B. Gaye thì buồn bã thừa nhận: “Các bên đã không còn tuân thủ ngừng bắn và kết quả là bạo lực leo thang”.

Xét tương quan lực lượng trên chiến trường, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy chiến sự sẽ sớm chấm dứt. Dù có ưu thế tuyệt đối về vũ khí hạng nặng như máy bay ném bom, pháo các loại nhưng quân chính phủ Syria vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn thành phố chiến lược lớn thứ hai nước này Aleppo sau hơn một tuần tổng công kích. Về phía phe đối lập, dù bị dồn tới chân tường và đứng trước nguy cơ bị đánh bật khỏi thành trì Aleppo, phe này vẫn hy vọng duy trì được lực lượng để mở các cuộc tấn công khủng bố, đặt Syria lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng.

Mục tiêu của lực lượng đối lập là gây sự chú ý của dư luận quốc tế và tạo cớ cho bên ngoài can thiệp vào Syria, lặp lại kịch bản như ở Lybia. Có thể nói đến thời điểm này, chiến thuật “tạo cớ” của phe đối lập Syria cũng đã phần nào đạt kết quả. Hôm 16-8 vừa rồi, tại hội nghị thượng đỉnh của OIC - Tổ chức Hồi giáo lớn nhất thế giới với 57 nước thành viên diễn ra tại thánh địa Mecca của Arập Xêút, Syria đã bị đình chỉ tư cách thành viên. Mỹ và phương Tây thì đang lên phương án lập “vùng cấm bay” ở Syria nhằm tạo ra lãnh địa an toàn cho lực lượng đối lập.

Nếu như không có sự phản đối mạnh của Nga và Trung Quốc, “vùng cấm bay” - lá chắn cho lực lượng đối lập Syria chắc chắn đã được thực hiện. Bộ trưởng Ngoại giao Nga S. Lavrov đã khẳng định rõ mưu toan đằng sau “vùng cấm bay” như sau: “Viện cớ một cuộc khủng hoảng quốc tế để tìm cách thiết lập các vùng cấm bay và khu an toàn vì những mục đích quân sự là một hành động không thể chấp nhận được”. Ai cũng hiểu là một khi “vùng cấm bay” xuất hiện, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ rơi vào tình thế vô cùng khó khăn bởi không thể kiểm soát được nguồn trợ giúp bí mật từ bên ngoài.

Hiện tại thì theo tân Đặc phái viên LHQ về Syria L. Brahimi, còn quá sớm để kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Tuy nhiên, nếu hai bên đối đầu ở Syria “quyết so găng” thì nạn nhân sẽ là những người dân thường Syria.

Kể từ khi làn sóng biểu tình tại Syria bùng phát thành bạo động từ tháng 3-2011 đến nay, đã có hơn 17.000 người thiệt mạng. Bi kịch đó chắc còn chưa dừng lại.