“Kịch bản” kinh tế
(ANTĐ) - Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế-xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch-Đầu tư vừa công bố báo cáo “Bối cảnh kinh tế thế giới và dự báo chỉ tiêu kinh tế vĩ mô 2009”. Báo cáo được lập trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội được cập nhật đến tháng 8, cho thấy năm 2009 nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Có hai “kịch bản” kinh tế được đưa ra nhằm chuẩn bị xây dựng các chỉ tiêu phát triển cho năm tới.
Kinh tế đang có những dấu hiệu phục hồi, từ nay đến cuối năm 2008 là giai đoạn trị dứt “căn bệnh” lạm phát, lãi suất tăng cao và kinh tế khát vốn. Sang năm 2009 mới thực sự là năm phục hồi “sức khỏe” nền kinh tế, để đến năm 2010 kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại sức, phát triển mạnh và bền vững.
Kịch bản lạc quan và khả quan nhất là từ nay đến cuối năm, công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, kinh tế thế giới ít chao đảo thuận lợi cho xuất khẩu, chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ hiệu quả hơn, thì GDP cả năm cũng chỉ đạt 6,6-6,8% so với năm 2007. Tương ứng với kịch bản này, lạm phát từ nay đến cuối tháng 12 phải tiếp tục giảm mạnh để đến cuối năm dừng ở mức 29-30,5%.
Còn kịch bản bi quan thì GDP chỉ đạt 6,2-6,5% bởi công nghiệp giảm sút so với 6 tháng đầu năm do thiếu vốn, chi phí đầu vào tăng nhanh, thiếu điện nghiêm trọng, giá dầu thế giới diễn biến phức tạp. Trong hoàn cảnh bất lợi đó, dự báo lạm phát các tháng còn lại sẽ ở mức 1,7-2,2%, đẩy lạm phát cả năm lên mức 31,5-33%.
Vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách là đi kèm với từng kịch bản phải đề ra các phương án ứng phó thích hợp. Với kịch bản lạc quan không đến mức phải “đau đầu” lắm. Còn kịch bản bi quan thì sao? Khó khăn lớn nhất đang phải đối mặt không phải là do khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ mà chính là do nhiều yếu tố chủ quan.
Ví dụ tăng trưởng tín dụng bất động sản năm 2007 quá mạnh, đầu tư lớn cho các dự án quy mô lớn song lại thiếu “chăm sóc” cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phải chăng chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ là vì nền kinh tế đang thừa tiền khiến giá cả tăng, lạm phát quá nóng? ý kiến của một số chuyên gia tài chính - tiền tệ cho rằng, nền kinh tế vừa thừa tiền, vừa thiếu tiền.
“Thừa” tiền đầu tư nhiều vốn cho những dự án mà phải hơn 5 năm sau mới “đẻ” ra hàng hóa và phải mất trên 10 năm mới hoàn vốn. Trong khi đó lại thiếu tiền cho khu vực sản xuất như đầu tư trực tiếp, sản xuất lúa gạo, thủy sản, hàng tiêu dùng.
Nếu nguồn vốn lớn kia phân bố hợp lý sẽ tạo ra hàng hóa dồn dào và quay vòng vốn. Như vậy, để kiềm chế lạm phát và kinh tế vẫn có vốn cho sản xuất kinh doanh thì không cần cung thêm nhiều tiền mà nên “lái” dòng vốn chảy vào khu vực này, đồng thời tăng nhanh vòng quay hàng - tiền (thủ tục nhập hàng, xuất hàng, đầu tư…).
Vừa qua Chính phủ đã cung một lượng tiền lớn để thu mua thủy sản và thóc của nông dân là một trong những biện pháp hiệu quả thuộc giải pháp này.
Diễn tiến kinh tế thế giới vốn khó lường và khó dự báo chính xác giống như đường đi của một cơn bão ngoài đại dương, do vậy chỉ có cách phòng chống từ xa và không nên quá lạc quan khi nền kinh tế trong nước vừa mới chớm gượng dậy, phục hồi.
Đan Thanh