Khúc ca thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Họ tình nguyện hàng ngày ở tuyến đầu đối mặt với đại dịch Covid-19 vì sự bình an của nhân dân. Họ chấp nhận phải cách ly với gia đình, đối mặt với hiểm nguy, gạt đi nỗi sợ của bản thân… để hoàn thành nhiệm vụ. Họ là những con người bình dị. Họ là những “chiến sĩ” đặc biệt viết nên khúc tráng ca thầm lặng nhưng đầy cảm xúc và niềm tin chiến thắng dịch bệnh.

Những chuyến xe đặc biệt ra vào tâm dịch

Trung tuần tháng 9-2021, tình cờ qua mạng xã hội, tôi biết đến Đội Chống Covid 911 với những chuyến xe 0 đồng tình nguyện đưa đón F0 đi cách ly, điều trị. Tìm đến trụ sở của đội tình nguyện ở Mỗ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội), anh Bạch Thái Thịnh, người phụ trách đội đón tôi ở cổng và hỏi ngay: “Xe chuẩn bị đón F0 ở ổ dịch Thanh Xuân Trung. Bạn đi xe theo sau xe cấp cứu nhé!”. Mất một hồi thuyết phục, anh Thịnh mới đồng ý cho tôi ngồi trên chuyến xe cấp cứu đặc biệt ấy với điều kiện phải mặc đồ bảo hộ cấp 3 và tuân thủ theo hướng dẫn của kíp trưởng.

Đội trưởng đội lái xe tình nguyện Lê Thành Trung và y sĩ Lê Văn Tân nhanh chóng giúp tôi mặc đồ bảo hộ, đi ủng, lấy băng dính dán kỹ những phần có thể tiếp xúc với không khí. Thoáng chốc, chiếc xe hú còi phi nhanh đến ổ dịch ở Thanh Xuân Trung. Bệnh nhân lần này là hai vợ chồng cao tuổi. Người chồng bị tâm thần lâu năm, có mái tóc dài cả mét. Y sĩ Lê Văn Tân nhanh nhẹn cùng với cán bộ y tế phường leo lên tầng 2 bế bệnh nhân xuống. Y sĩ Tân cũng thành thợ cắt tóc bất đắc dĩ cho bệnh nhân. 7 phút sau, chiếc xe tiếp tục hành trình đưa 2 bệnh nhân sang bệnh viện tâm thần để cách ly, điều trị. “Chúng tôi cố đi nhanh nhất và an toàn để người bệnh đỡ khổ vì trong xe không được bật điều hòa để ngăn virus lây lan” - y sĩ Lê Văn Tân nói.

Hơn chục năm gắn bó với nghề lái xe cứu thương, lái xe Nguyễn Thành Trung cho biết đây là những ngày đặc biệt nhất đời mình... Anh Trung tâm sự: “Sợ thì ai cũng sợ. Nhưng mình không làm thì ai làm? Lúc đầu, đội chúng tôi chỉ chuyên chở các trường hợp F1 nhưng khi dịch bùng phát, chúng tôi chở cả F0 để giảm tải cho lực lượng y tế…”.

Sau mỗi chuyến đi như thế, họ lại được “tắm” hóa chất khử khuẩn. Mọi quy trình phòng dịch được thực hiện nghiêm ngặt. Thành viên chính đều ở lại đội để đảm bảo an toàn cho gia đình, người thân… Thành viên nào vi phạm một lần cũng sẽ bị buộc ra khỏi đội. Ba ngày, toàn đội lại xét nghiệm một lần… Lúc chờ bàn giao bệnh nhân cho bệnh viện, anh Trung mở điện thoại cho tôi xem ảnh con trai út. “Các cháu ngoan và hay gọi điện cho bố lắm” - anh Trung nói và cho biết lần nào cũng ám ảnh bởi hình ảnh các em bé trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình phải đi cách ly...

“Chúng tôi không phải người hộ khẩu Hà Nội, nhưng chỉ cần sinh sống ở đây cũng phải có trách nhiệm với Thủ đô; có trách nhiệm với những người xung quanh. Cùng với lực lượng tuyến đầu như các bác sĩ hay chiến sĩ Công an, Quân đội, chúng tôi chọn cách riêng của mình để chiến đấu với đại dịch Covid-19” - anh Bạch Thái Thịnh chia sẻ với tôi trong bữa cơm muộn ở trụ sở đội tối hôm đó.

Công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) xuống đồng thu hoạch lúa giúp dân khu phong tỏa

Công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) xuống đồng thu hoạch lúa giúp dân khu phong tỏa

Những thành viên Đội chống Covid 911 đã quá quen thuộc với từng căn nhà ở ổ dịch Thanh Xuân Trung ngày ấy. Họ nhớ từng ngõ, từng trường hợp F0 mà mình đưa đi và hạnh phúc khi được đón chính những người ấy về nhà… Chia sẻ khó khăn với các anh, chỉ vài ngày sau đó, những phóng viên An ninh Thủ đô đã quyên góp, vận động tặng ngay các anh 200 bộ đồ bảo hộ cấp độ 3. Anh Thịnh mừng lắm. Anh nói: “Thế là yên tâm làm việc đến Tết. Chỉ mong mọi người đều bình an”…

Cánh đồng ấm tình quân dân

Cũng trong những ngày đặc biệt ấy, cuối tháng 9-2021, giữa trưa, tôi nhận được cuộc điện thoại của một đồng nghiệp ở CAH Ứng Hòa (Hà Nội) về việc thanh niên Công an xuống đồng thu hoạch lúa giúp dân trong khu vực đang bị phong tỏa. Bỏ ngang bát cơm, tôi lấy xe máy đi ngay vì lo đường xa không kịp ghi lại những hình ảnh sống động ấy…

Mất gần 2 tiếng đồng hồ, tôi đến xã Viên An bên triền đê xanh mát. Thượng úy Nguyễn Phương Thảo, nữ Bí thư Đoàn CAH Ứng Hòa cho biết, khi biết tin hơn 20 mẫu ruộng lúa đang chín rực nhưng người dân đang phải cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 không thu hoạch được, thanh niên CAH Ứng Hòa đã cùng các đồng chí Công an xã Viên An xuống đồng gặt giúp bà con.

Những cán bộ, chiến sĩ trẻ với găng tay, liềm, cơ động qua từng thửa ruộng để thu hoạch cuốn chiếu. “Xóm 3, thôn Phù Yên, xã Viên An với hơn 400 nhân khẩu đang phải phong tỏa do liên quan đến dịch bệnh. Những cánh đồng lúa chín đổ rạp, xót xa cho bao công sức của bà con… Việc đỡ đần được cho nhân dân là phải làm. Đó là mệnh lệnh của trái tim” - Thượng úy Nguyễn Phương Thảo nói.

PV Phú Khánh

PV Phú Khánh

Từng bó lúa trĩu nặng được cẩn thận mang lên. Dù vai áo ướt đẫm mồ hôi, nhưng cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô vẫn rất vui vì đã giúp được người dân... Những cuộc điện thoại của người dân trong khu phong tỏa liên tục kết nối đến các đồng chí Công an xã An Viên. “Bà con yên tâm, chúng tôi sẽ thu hoạch hết. Của nhà nào sẽ được vận chuyển tới nhà ấy”, gạt mồ hôi, Thượng úy Nguyễn Phương Thảo trả lời với ánh mắt biết cười trong nắng chiều trên cánh đồng ấm tình quân dân…

* * *

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…” - câu hát cứ vang lên trong đầu khi tôi được gặp và đồng hành dù chỉ phút chốc với những con người bình dị ấy. Câu chuyện của họ đại diện cho không ít những con người thầm lặng, không ai biết mặt, rõ tên vẫn hàng ngày vì sự bình an của Thủ đô. Khúc tráng ca ấy chắc chắn sẽ vang mãi và là niềm tin để Hà Nội luôn yên bình, vượt qua mọi khó khăn, dịch bệnh!