Khu tái định cư Đồng Tàu xuống cấp nghiêm trọng

ANTĐ - Toàn bộ bề mặt tầng 1 sụt lún hàng chục centimét, bể phốt nứt vỡ tràn nước thải ra ngoài, những hàm ếch hở toang hoác dưới chân hộp kỹ thuật, sàn nhà bong tróc từng mảng, đó là những tồn tại lâu nay tại khu tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai). Do chất lượng xây dựng quá kém, hầu hết các tòa nhà ở đây đều xuống cấp nặng nề dù mới được đưa vào sử dụng mấy năm nay. 

Hộp kỹ thuật nứt vỡ trơ cả ống nước thải

Vừa ở, vừa sửa, vừa lo

Tổ dân phố 30C phường Thịnh Liệt bao gồm 4 toà nhà 9 tầng là N6, N7, N9, N10 với hơn 250 hộ dân. Hầu hết các hộ dân này đều là những gia đình bị thu hồi đất phục vụ cho các dự án công ích của Hà Nội. Họ được đưa về tái định cư tại khu Đồng Tàu, tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn các hộ gia đình này đều thất vọng bởi chất lượng “nhà mới” còn tệ hơn nhà cũ.

Bà Nguyễn Kim Oanh, trú tại P807 nhà N9 cho biết: “Tôi chuyển về đây từ năm 2011, nhưng ngay từ khi nhận nhà chúng tôi đã không thể ở được do sàn nhà bong tróc từng mảng, khu vệ sinh ngấm nước loang lổ khắp nơi. Không riêng gì nhà tôi, toàn bộ các gia đình ở đây đều rơi vào cảnh tương tự. Ngay cả gạch lát lối đi ngoài hành lang cũng phồng rộp rồi bong tróc như bánh đa. Mặc dù chúng tôi đã kêu  nhiều lần với đơn vị quản lý tòa nhà, nhưng họ không hề giải quyết. Do chờ đợi quá lâu nên đa số người dân đành phải tự bỏ tiền túi ra sửa chữa”.

Việc bong tróc gạch lát nền của toàn bộ tòa nhà N9 hay khu vệ sinh bị ngấm nước thực ra chỉ là vấn đề rất nhỏ so với những gì đang tồn tại ở khắp các dãy nhà tái định cư của khu Đồng Tàu - ông Đào Xuân Lý, Trưởng ban đại diện nhà N9 khẳng định như vậy khi đưa phóng viên ANTĐ đi “thị sát” toàn bộ khu vực.

Ngay  bản thân ông Lý sau khi “nhận nhà mới” cũng đã phải bỏ ra hơn 20 triệu đồng để sửa chữa mới có thể ở được. “Tôi chắc chắn 100% các tòa nhà tái định cư của khu này đều bị sụt lún rất nghiêm trọng, có nơi nền nhà bị sụt tới 30-40cm đến mức người ta có thể lách qua được. Điều đáng buồn là hầu hết mọi bức xúc, phản ánh của cư dân nơi đây về chất lượng công trình và yêu cầu được đơn vị quản lý là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) tìm cách khắc phục cho người dân đều bị phớt lờ” – ông Lý nói.

Kêu mãi mà vẫn bị “bỏ rơi” mới đây cư dân nhà N9 đã bàn nhau tự góp tiền đề thuê thợ mua cát, gạch, xi măng đổ vào các vết nứt của tòa nhà. Thực tế những nỗ lực của bà con cũng chỉ như “gãi ghẻ” bởi chẳng bao lâu sau, những vết trám đó lại tiếp tục xé rộng ra thành những vết lún nứt mới. Chúng tôi tự bỏ tiền sửa chữa nhiều lần rồi. Nhưng có lẽ cái gốc của việc xuống cấp này nó lại nằm ở chỗ khác…”.

Sàn nhà bong tróc từng mảng

Ai chịu trách nhiệm?

Trong số 4 tòa nhà thì hiện nay tòa nhà N10 là có vẻ “ổn” nhất so với các tòa nhà còn lại. Lý giải cho việc này, ông Nguyễn Viết Thắng – tổ trưởng tổ dân phố 30C cho biết: “Đấy là do chúng tôi cũng kêu mãi thì họ mới sửa chữa chứ trước đây, nhà N10 cũng “thảm hại” không kém gì nhà N9. Những sửa chữa cũng chỉ là một vài hạng mục thôi chứ không triệt để. Mặc dù, dân mới đến ở được 3-4 năm nay, nhưng các anh cứ thử nhìn những bức tường lở lói bên ngoài tòa nhà N10 xem có khác gì một cái áo rách hay không? Tôi nói không đâu xa, ngay như nhà N6, hệ thống bể phốt, ống thoát nước thải đã bị lún nứt lâu rồi. Nước thải hôi thối tràn ra cả mặt đường, bà con phản ánh mãi mà đến bây giờ cũng chẳng có ai chịu sửa. Cả 4 toà nhà thuộc phạm vi tổ 30C chúng tôi thì tất cả đều lún nứt. Tầng 1 nhà N9 vốn được thiết kế là nhà để xe và khu sinh hoạt cộng đồng, nhưng đến nay thì không có ai dám cho các cháu nhỏ vào đấy sinh hoạt cả bởi sơ sảy là vấp ngã do nền nhà trồi sụt như những chiếc bẫy. Các cây cột kỹ thuật thì thi nhau nứt gãy kéo theo các đường ống thoát nước rò rỉ khắp nơi”.

Cũng theo ông Thắng, khu vực này vốn trước đây là ao hồ san lấp, địa chất không ổn định. Đáng lẽ khi tiến hành xây dựng chủ đầu tư cần phải có biện pháp xử lý nền móng kỹ lưỡng rồi mới xây dựng. Bây giờ tình trạng xuống cấp xảy ra, nhưng không có một đơn vị nào đứng ra sửa chữa hay chịu trách nhiệm với người dân. “Năm ngoái khi người dân đơn thư và  kêu dữ quá, tôi cũng có nghe nói một số đơn vị chức năng đã xuống thẩm định và đánh giá tình hình thực tế tại đây. Nhưng họ cho biết là chưa có kinh phí sửa chữa. Dự kiến ít nhất cũng phải đến giữa hoặc cuối năm nay thì may ra việc này mới được tiến hành. Thôi thì chúng tôi cũng chỉ biết chờ chứ làm gì còn cách nào khác. Chỉ hy vọng việc xử lý tiến hành sớm ngày nào thì dân đỡ khổ ngày đấy” – ông Thắng nói trong ngậm ngùi và hy vọng.