Không xử nghiêm, còn “nhờn”

ANTĐ - Một thông tin có thể coi là “chấn động” giữa những ngày thu Hà Nội: mẫu cốm lấy tại 2 cơ sở sản xuất ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (“thủ phủ” của làng cốm) có chứa Malachite green, loại hóa chất vốn được sử dụng để nhuộm màu vi khuẩn trong phòng thí nghiệm, xử lý nước diệt nấm trong nuôi trồng thủy sản. Không cần nói thì ai cũng biết, mục đích “thả” thứ hóa chất bị cấm ấy của 2 cơ sở làm cốm để làm gì. Họ bất chấp việc có thể gây hại cho sức khỏe của người dùng, đơn giản, vì lợi nhuận.

Không lâu trước vụ cốm tẩm hóa chất, người dân Hà Nội cũng rùng mình vì thông tin một cơ sở sản xuất tương ớt thuộc dạng lớn trên địa bàn huyện Phú Xuyên, để tăng độ đỏ, đẹp cho tương ớt, ngoài chất bảo quản, họ “tưới” thêm  Rhodamine B - loại chất gây ung thư, và một số dung dịch khác. Hành vi này bị Cảnh sát môi trường Hà Nội bắt quả tang, và theo lời khai của đương sự, họ chủ động tìm mua Rhodamine B để phục vụ công nghệ “làm đẹp” tương ớt.

Có một thực tế cần lưu tâm là hiện nay, nhiều người dân đã quay lưng với những thực phẩm bình dân vốn dĩ gắn bó qua nhiều thế hệ bởi nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nỗi lo bắt nguồn từ những sự việc được kiểm chứng, những thông tin đồn thổi, hay những cảm nhận trực tiếp đối với thực phẩm họ trông thấy.

Quay lưng với thực phẩm không rõ nguồn gốc là động thái bất khả kháng của người tiêu dùng. Nhưng rõ ràng với văn hóa ẩm thực của người Hà thành lâu nay, với cách mua bán và thưởng thức khá thường xuyên thức ăn đường phố, thì không phải ai cũng quyết liệt “quay lưng”. Vấn đề ở đây là cơ quan chức năng phải xử lý được tận gốc, từ khâu sản xuất và đầu ra của thực phẩm. Đừng băn khoăn hay biện lý do thiếu chế tài cho những hành vi “đầu độc” người tiêu dùng. Điều 224 - BLHS quy định: “Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm...”.

Cùng với việc kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nên tiến hành xử điểm bằng hình sự những vụ “đầu độc” nghiêm trọng để tạo sự răn đe, giáo dục đối với những cơ sở, đối tượng đang lén lút kinh doanh phi đạo đức. Rõ ràng, cách thức xử lý đối với các cơ sở vi phạm từ trước đến nay của cơ quan chức năng chỉ như “đá ném ao bèo”, rộ lên được một thời điểm rồi rơi tõm vào sự im lặng. Và như thế, sau cốm, sau tương ớt, sẽ lại có thêm những thực phẩm “bẩn” ra đời.