"Không vi phạm luật pháp thì không bao giờ bị bắt"

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng khẳng định mọi người dân có quyền nói lên ý kiến của mình và Việt Nam chưa hề bắt giữ bất kỳ ai vì lý do được gọi là “bất đồng chính kiến” hoặc vì hoạt động tôn giáo.

"Không vi phạm luật pháp thì không bao giờ bị bắt"

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng khẳng định mọi người dân có quyền nói lên ý kiến của mình và Việt Nam chưa hề bắt giữ bất kỳ ai vì lý do được gọi là “bất đồng chính kiến” hoặc vì hoạt động tôn giáo.

Phát biểu khi gặp đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ ngày 23/10 tại Hà Nội, thứ trưởng khẳng định đã có nhiều thông tin sai lệch rằng chính quyền Việt Nam sách nhiễu các tôn giáo. Ông cho hay có một số trường hợp người theo đạo vi phạm pháp luật và bị xử lý giống như mọi công dân khác, nhưng thông tin đưa đến Ủy ban và các giới chức Mỹ đã bị bóp méo nên không chính xác.

“Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo chính thức ở Việt Nam từ năm 1981 nên hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là bất hợp pháp,” ông Hưởng nói. “Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bắt bất kỳ ai thuộc nhóm này nếu họ không vi phạm pháp luật.”

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, một số người có các hành động đòi phục hồi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là vì họ không hài lòng với vị trí mới của mình. “Nhưng việc chọn tổ chức nào để duy trì và đăng ký hoạt động hoàn toàn là vấn đề nội bộ của các tôn giáo và chính phủ không can thiệp,” ông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng khẳng định với phái đoàn uỷ ban, do Chủ tịch Ủy ban Michael Cromartie dẫn đầu, rằng theo luật pháp Việt Nam, mỗi tôn giáo chỉ có một tổ chức chính thức nhưng có thể có nhiều hệ, phái và thời gian qua đã có rất nhiều nhóm tôn giáo được công nhận.

Về đòi hỏi trả tự do cho những người mà phía Hoa Kỳ gọi là những người bất đồng chính kiến, thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng nhắc lại rằng Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân bị bắt không phải vì nêu quan điểm riêng của họ mà vì hậu thuẫn, lôi kéo thành lập hoặc thậm chí tham gia vào các tổ chức chống lại nhà nước Việt Nam. “Không một quốc gia nào cho phép điều này,” ông nói.

Ông cho biết tòa án đã thông báo rằng phiên tòa phúc thẩm Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân sắp diễn ra.

Thứ trưởng cũng bác bỏ tin nói các đối tượng kể trên không được nhận thuốc men hoặc kinh thánh. “Tù nhân theo đạo vẫn được hoạt động tôn giáo trong tù và mọi người tù đều được nhận đồ tiếp tế. Ngoài ra, bệnh viện ở các trại giam cũng đảm bảo chăm sóc chu đáo.”

Hoàn toàn thống nhất quan điểm với phía Hoa Kỳ rằng cần phải phản đối tình trạng ngược đãi với tù nhân, thứ trưởng nói: “Tù nhân cũng là những con người và nếu họ sai phạm thì xử theo luật pháp chứ không được dùng nhục hình, bức cung. Luật pháp Việt Nam có các điều khoản rõ ràng quy định những người ngược đãi tù nhân sẽ bị xử lý tùy theo mức độ.”

Một thành viên trong phái đoàn là ông Imam Tala Eid bày tỏ quan tâm về việc liệu Việt Nam nói chung và Bộ Công an nói riêng có tổ chức các khóa đào tạo về vấn đề nhân quyền hay không. Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng khẳng định từ khi bắt đầu quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn tham gia tích cực vào hoạt động đào tạo trong lĩnh vực này và đã đưa nhiều đoàn cán bộ đi tham quan và đào tạo ở nhiều quốc gia trong chương trình hợp tác với các tổ chức nhân quyền quốc tế của Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch. Việt Nam đã tập huấn cho cán bộ tất cả các tỉnh về vấn đề nhân quyền kể từ năm 2005. Thực thi luật pháp và nhân quyền cũng là hai bộ môn đào tạo bắt buộc trong ngành công an.

Tại cuộc gặp đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng hoan nghênh việc trao đổi thẳng thắn về những vấn đề khác biệt trong quan điểm giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để “từ đó góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước cũng như cuộc sống tinh thần, tín ngưỡng của người dân Việt Nam.”

Ông cũng tuyên bố phía Việt Nam sẽ tạo điều kiện để phái đoàn Hoa Kỳ gặp các nhân vật mà họ quan tâm, đồng thời đề nghị các thành viên trong phái đoàn tìm hiểu thực tế tại các địa phương để tận mắt chứng kiến hoạt động tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Thứ trưởng cũng cảm ơn các nước, trong đó có Hoa Kỳ, đã ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ phát huy vai trò và vị trí của mình để tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt là hoạt động gìn giữ hòa bình, nhân quyền và các vấn đề xã hội.

TTXVN