Không thể tiền hậu bất nhất

ANTĐ - Trung Quốc ngày 24-7 đã ngang nhiên tổ chức lễ ra mắt cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhân vật được gọi là “thị trưởng Tam Sa” còn ngạo nghễ rằng: “Việc chỉ định Tam Sa là một thành phố mới là một quyết định khôn ngoan của Đảng và Chính phủ Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền, tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên”. 

Trung Quốc cũng đưa dân và đem quân ra đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, và tuyên bố “cơ quan hành chính của Tam Sa” sẽ quản lý toàn bộ vùng Biển Đông. Dư luận quốc tế lo ngại về tuyên bố mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc, vốn không có cơ sở nào trong luật pháp quốc tế, đặc biệt là khả năng Trung Quốc sẽ cố gắng áp đặt những tuyên bố này thông qua cưỡng chế và đe dọa.

Những động thái trên quả thật là tiền hậu bất nhất và trái ngược hoàn toàn với những gì có trong “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” - tập bản đồ do triều Thanh - Trung Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1904. Tấm bản đồ cổ được vua Khang Hy 47 của Trung Quốc chủ trương khởi dựng từ năm Mậu Tý 1708, đến năm 1904 mới thành hiện thực, trong đó chính các giáo sĩ Trung Quốc chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Theo tấm bản đồ cấp nhà nước này, cực Nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam và đặc biệt không hề có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong xác lập chủ quyền đối với Trung Quốc. Tấm bản đồ cổ, vì thế thêm một lần nữa khẳng định những đòi hỏi và động thái leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian gần đây là hoàn toàn vô lý và vô căn cứ.

Hàng loạt những hoạt động đầy toan tính trên hoàn toàn không tương xứng đối với một cường quốc, một nước lớn như Trung Quốc cần phải chứng tỏ, cần phải hành xử văn minh, hành xử có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế. Càng là nước lớn, càng phải tôn trọng luật pháp quốc tế, càng không thể tiền hậu bất nhất được! Đây là một điều kiện tiên quyết để góp phần xây dựng hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực cũng như trên thế giới, giúp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế ở đây là Công ước Luật Biển LHQ năm 1982, là sự khuyến khích các nỗ lực thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), là tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). 

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về Trung Quốc đã có lý khi ông cho rằng, Trung Quốc khẳng định chủ quyền biển đảo trên Biển Đông một cách vô căn cứ, nên họ cãi cùn. Nhưng trước cách hành xử tiền hậu bất nhất đó, vị học giả Việt Nam có bề dày 50 năm nghiên cứu Trung Quốc nhấn mạnh rằng, chúng ta ở phía chính nghĩa, vì thế cần thể hiện sự văn hóa trong ứng xử, chậm nhưng chắc, “nói có sách, mách có chứng”. Và ông tin, dư luận quốc tế đang đứng về phía chúng ta, đứng về phía chính nghĩa.

Cũng bởi vậy, ứng xử trước những hành động leo thang, khiêu khích tới mức ngang ngược thì chúng ta càng cần cái đầu tỉnh táo. Tỉnh táo để không bị mắc mưu lôi kéo, cuốn vào những vòng xoáy gây hấn, xung đột vũ trang trên biển. Tỉnh táo để không bị cuốn vào vòng xoáy gây mất an ninh trật tự trong nước. Tỉnh táo để khẳng định và bảo vệ bằng được chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc một cách bài bản, có lộ trình, có những chứng cứ luật pháp quốc tế thuyết phục và đặc biệt phải có văn hóa.