Không thể để "thủ phạm" tung tin đồn nhởn nhơ gây hoạ

ANTĐ - "Phải truy tìm cho được “thủ phạm” tung tin đồn và xử phạt thật nặng, làm gương cho kẻ khác…" - TS Đinh Đoàn- chuyên gia tâm lý thuộc Trung tâm Tư vấn tâm lý, đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng (Hà Nội) nhấn mạnh.

TS Đinh Đoàn- chuyên gia tâm lý thuộc Trung tâm Tư vấn tâm lý, đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng (Hà Nội) trao đổi về tình trạng “loạn tin đồn” gần đây.

TS Đinh Đoàn
TS Đinh Đoàn

Việc xuất hiện hàng loạt các tin đồn trong thời gian gần đây, theo ông do nguyên nhân nào?

- Tin đồn tung ra bao giờ cũng có hai mục đích: Lợi mình và hại người. Tôi chưa rõ “cơ chế” tung tin gạo gây vô sinh, ung thư thế nào, nhưng tôi biết có một “ca” tung tin đồn: Một ông nuôi cá nước mặn thấy dân tình đổ xô ăn cá nước ngọt bèn bực mình, cho đàn em viết một bài về tác hại của cá nước ngọt, trích nghiên cứu của ông “Jonh Smith” nào đó ở trời Tây, đẩy lên mạng, thế là thành tin “ăn cá rô đầu vuông bị ung thư”. Người dân có muốn tra nguồn thông tin cũng chẳng được nên hoang mang, lo ngại. Đó là chưa kể đến những tin đồn mang tính phá hoại tầm “quốc tế” khiến cho các sản phẩm xuất khẩu của chúng ta bị điêu đứng.

Tại sao khoa học phát triển thì tin đồn lại càng tai hại?

- Ngày xưa, tin đồn chỉ phát triển bằng kênh “miệng”, người này kể với người kia, phải mất nhiều thời gian lắm mới lan ra ngoài làng, ngoài xã. Lúc đó, thì người ta cũng đủ thời gian kiểm chứng để dập tin đồn đi rồi. Còn ngày nay, có vô số các kênh để lan truyền tin đồn, chỉ mất mấy giây đã ra khỏi biên giới, hàng triệu người đọc qua thư điện tử, nhắn tin.

Các blog cá nhân, diễn đàn... chẳng có sự kiểm soát nào cả, ai tung tin gì cũng được. Chỉ cần một cú click là người đọc tiếp nhận được. Rồi lại truyền miệng nhau, thông tin càng thất thiệt. Những người dân ở vùng sâu, vùng xa, ít có cơ hội kiểm chứng thông tin, sẽ tin ngay vào lời nói của bà con tận “trung ương”, rồi dẫn lời “đài, báo”, họ sẽ rất dễ tin.

Ông lý giải vì sao với những thông tin chẳng có căn cứ mà người dân vẫn dễ dàng tin tưởng, rồi “một đồn trăm, trăm đồn nghìn”?

- Tôi nghĩ đã là người thì ai cũng đều có tâm lý “đám đông”, a dua theo đa số. Người điềm đạm mà ra sân cổ vũ bóng đá thấy muôn người đều sôi sùng sục thì tự nhiên cũng đứng lên la hét. Một người nói không tin, nhưng hai người, ba người hoang mang lo lắng thì tự nhiên mình cũng bị “tự kỷ ám thị”, cũng lo lắng, hoang mang theo, đến một lúc nào đó, tin tưởng đến mức mê muội.

Vậy muốn hạn chế tin đồn, cũng như ngăn chặn tác hại của tin đồn thì người dân và chính quyền cần làm gì?

- Điều đầu tiên là nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, truyền thông cần có các bài khoa học, phân tích, cắt nghĩa cho người dân hiểu rõ vấn đề. Ví dụ như vô sinh là xuất phát từ nguyên nhân gì, do yếu tố nào chứ chẳng liên quan đến việc ăn gạo của một giống lúa nào đó…

Các ngành quản lý văn hóa, báo chí, mạng Internet cũng phải luôn tỉnh táo, cảnh giác trước các thông tin thất thiệt, cần cân nhắc khi đưa bất cứ thông tin gì. Bởi kênh thông tin lan truyền tin đồn khiến người dân tin cậy nhất vẫn là báo chí. Chúng ta có bài học từ việc đưa tin gây thiệt hại nghiêm trọng cho cá rô đầu vuông, cho bưởi, mà “kẻ tung tin đồn” chính là một số tờ báo… Phải truy tìm cho được “thủ phạm” tung tin đồn và xử phạt thật nặng, làm gương cho kẻ khác…