Người tâm thần gây án:

Không thể bỏ mặc bệnh nhân

(ANTĐ) - Nói về những người mắc bệnh thần kinh gây trọng án, các bác sĩ tâm thần đều cho rằng, họ vốn hiền lành, lương thiện. Thế nhưng ở vào những thời điểm nhất định, họ bị ảo giác biến thành hành động.  

Tai họa khôn lường

Chập tối một ngày cuối tháng 9-2010, người dân thôn Lưu Xá, xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội bàng hoàng chứng kiến Tạ Văn Hiển (SN 1957, tên gọi khác là Viển) vung tay đâm nhiều nhát vào người hàng xóm. Những nhát dao điên cuồng của Hiển đã không cho ông Tạ Xuân Thủy (63 tuổi) có cơ hội sống sót. Ngay trước khi vác dao đâm chết người hàng xóm, Hiển đã dùng tuýp sắt đánh trọng thương một người họ hàng khác.

Điều trị kịp thời cho người tâm thần giảm nguy cơ phát sinh tội phạm (Ảnh minh họa) 

 Điều trị kịp thời cho người tâm thần giảm nguy cơ phát sinh tội phạm (Ảnh minh họa)

Sự việc bắt đầu khi Hiển sang nhà một người cùng thôn chơi. Thấy anh Tạ Văn Thôn đi thu tiền điện ở ngoài ngõ, đối tượng liền lấy tuýp sắt chạy tới vụt tới tấp vào đầu người đàn ông này. Do được mọi người ngăn cản kịp thời nên anh Thôn thoát chết. Sau đó, Hiển đi bộ về nhà và gặp ông Tạ Xuân Thủy đang đứng chơi ở nhà một người quen. Hiển bất ngờ chạy về nhà lấy một con dao chọc tiết lợn, rồi quay lại chỗ ông Thủy đâm túi bụi vào bụng, ngực người hàng xóm này, khiến nạn nhân gục chết tại chỗ. Theo người dân thôn Lưu Xá, mặc dù lúc hung thủ đâm ông Thủy có một số người đang đứng gần đó, nhưng chẳng ai kịp phản ứng.

Cũng theo người dân địa phương, Hiển có biểu hiện tâm thần hoang tưởng đã lâu nhưng không được gia đình chạy chữa. Hàng ngày cứ uống tí rượu vào là đối tượng lại nói năng lung tung. Những lúc ấy, Hiển thường tự nhận mình là “tổng thống” và bảo có rất nhiều kẻ muốn ám sát để đoạt quyền… Sau khi bị bắt, nhận thấy hung thủ có biểu hiện rối loạn thần kinh nên CQĐT đã trưng cầu giám định. Kết quả cho thấy, Tạ Văn Hiển bị rối loạn tâm thần do sử dụng rượu với ảo giác chiếm ưu thế. Bệnh lý của Hiển có mã số quốc tế là F10.52, bệnh xuất hiện vào khoảng năm 2000. 

Sau hôm án mạng xảy ra, người dân thôn Lưu Xá mới tá hỏa nhận ra một điều rằng, thường ngày Tạ Văn Hiển rất hiền lành. Vậy mà chỉ một cơn hoang tưởng bùng phát, đối tượng bỗng biến thành kẻ giết người. Trong khi nhiều vụ trọng án mà hung thủ là người tâm thần còn chưa được đưa ra phán xét thì mới đây lại xảy ra vụ giết bố dượng kinh hoàng. Nạn nhân là ông Giang Ngọc Bảo (SN 1969), trú ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội. Còn hung thủ là con riêng của vợ nạn nhân tên Vũ Xuân Trường (SN 1989) cũng có biểu hiện tâm thần.       

Trách nhiệm thuộc về người thân

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Quang Tiến (Công ty Luật Bảo Thiên - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, theo nguyên tắc chung, những can phạm mắc bệnh tâm thần vào thời điểm gây án hoặc bị hạn chế năng lực hành vi sẽ chỉ phải chịu mức hình phạt không quá ¾ so với người bình thường phạm tội. Riêng với những người bị bệnh tâm thần bẩm sinh hoặc mất hết năng lực hành vi thì pháp luật không truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Luật sư Nguyễn Quang Tiến luôn rất trăn trở khi tham gia những vụ án người tâm thần phạm tội

 Luật sư Nguyễn Quang Tiến luôn rất trăn trở khi tham gia những vụ án người tâm thần phạm tội

Luật sư Tiến cho rằng, nguyên tắc này thể hiện quan điểm nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Song ở góc độ khác, còn gián tiếp đặt ra vấn đề trách nhiệm đối với người thân của những người tâm thần và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội. Nhìn nhận thực trạng người tâm thần gây trọng án, TS.BS Ngô Thanh Hồi - Giám đốc bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho rằng, hiện Nhà nước vẫn chưa có quy định và chế tài bắt buộc người thân, người giám hộ của người bị tâm thần đi điều trị tại các cơ sở y tế. Việc bắt buộc chữa bệnh chỉ mới được áp dụng khi người tâm thần phạm pháp. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, quy định này đã có từ lâu. Đây chính là lý do khiến xã hội luôn tiềm ẩn loại tội phạm liên quan đến người tâm thần.

Nói về mức độ nguy hiểm của người tâm thần, TS.BS Ngô Thanh Hồi cho biết, nguy cơ lớn nhất thuộc về nhóm bệnh tâm thần loạn thần, đặc biệt là loạn thần nội sinh. Cơ chế hình thành, phát bệnh đối với nhóm bệnh này chủ yếu do di truyền, số ít do tự phát với 2 hình thái phổ biến là tâm thần hoang tưởng và tâm thần phân liệt. Thời điểm phát bệnh loạn thần nội sinh thường ở vào độ tuổi trước 30. Những người mắc căn bệnh này về cơ bản vẫn nhận thức và điều khiển được hành vi. Tuy nhiên ở những thời điểm nhất định, họ mất khả năng này.

Cùng với nhiều yếu tố về xúc cảm, tác động của khí hậu, thời tiết hay phim ảnh, sự kiện xã hội… người mắc bệnh rất dễ có các hành động bất thường và gây ra những hậu quả đáng tiếc. Trong thực tiễn để phát hiện sớm người mắc chứng bệnh loạn thần nội sinh không khó. Bởi người bệnh thường có những cử chỉ, lời nói và hành động không bình thường trước khi bùng phát dữ dội.

“Nếu được phát hiện sớm và áp dụng các liệu pháp chữa trị kịp thời thì trên 70% người mắc bệnh tâm thần sẽ bình phục hoàn toàn. Trong bối cảnh hiện nay, việc này chỉ có thể thực hiện được khi người thân của những người bị bệnh tâm thần nêu cao tinh thần trách nhiệm” - TS.BS Ngô Thanh Hồi khẳng định.