Không phải chuyện nhỏ!

ANTĐ - Chị Trần Huyền Trinh (18 tuổi, sinh viên Đại học Luật Hà Nội) vừa nấu cơm vừa bức xúc.

- Sinh viên còn nhiều khó khăn thế mà có người có gạo lại chả dám ăn!

- Chuyện lạ Việt Nam à, vì sao thế?

- Thì có tin đồn ăn gạo giống P6, bị vô sinh làm khổ bao nông dân Quảng Bình. Nhiều bạn mang gạo quê lên không dám thổi, ăn tạm mỳ tôm. Thế mới khổ chứ. Sao có người lại tin vào những thông tin như thế nhỉ?

- Tâm lý số đông còn ảnh hưởng nhiều đến xã hội ta lắm. Thế mà nhiều người chỉ nghĩ là chuyện nhỏ.

- Chuyện không hề nhỏ. Về mặt kinh tế, không thiếu tin đồn để trục lợi cá nhân như giá gạo xuất khẩu, sản phẩm công ty này bị nhiễm độc, công ty kia bị thu hồi... Cạnh tranh không lành mạnh thế thì sao các doanh nghiệp "khỏe" được.

- Còn nhiều tin đồn ghê gớm hơn nữa...

- Vừa rồi người dân từ Phú Yên đến Quảng Nam còn chả dám cho con cái ra đường vì tin đồn có nhóm người chuyên bắt cóc trẻ em lấy nội tạng. Gây hoang mang trong xã hội. Cũng chưa thấy ai bị xử lý vì tung tin thất thiệt cả.

 - Ngành bất động sản cũng nhiều lần lao đao vì tin đồn, không ít người "tiền mất, tật mang" gia đình tan vỡ.

- Còn tin đồn về giá vàng, nhiều người cả đời dành dụm sau một ngày đã tay trắng. Xã hội phải gánh nhiều hậu quả đau lòng. Đã đến lúc cần có cơ chế quản lý, cụ thể hóa bằng luật để xử lý nghiêm các hành vi tung tin không đúng sự thật.

- Các cơ quan chức năng, báo chí cũng cần nhanh nhạy, giải thích kịp thời cho người dân về các tin đồn vớ vấn để không ai còn bị thiệt thòi.

- Người dân cũng phải biết tự bảo vệ mình, không nên cứ giữ thói quen tâm lý số đông. Buồn cười và đáng thương cho những ai sống trong thời đại này mà vẫn có thể tin rằng: ăn dưa chuột có thể gây chết người.