Không lơi lỏng

ANTĐ - Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, sau khi tổng hợp số liệu của các địa phương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 8 tăng khoảng 0,4 - 0,5% so với tháng 7. Trong đó, CPI của TP.HCM tăng 0,31%, riêng Hà Nội tăng tới 3,1% do tác động từ giá dịch vụ y tế với mức tăng lên tới gần 64%. Mức tăng CPI của Hà Nội khá cao so với các tỉnh, thành, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến CPI của cả nước; dù trong CPI còn có tác động của giá xăng dầu, điện tăng và mưa bão. 

Vụ trưởng Vụ Thống kê giá phân tích, việc tăng giá điện 5% sẽ tác động rõ rệt lên CPI tháng 9 vì hóa đơn thanh toán tiền điện sẽ được tính vào cuối tháng 8, đã qua chu kỳ tính CPI. Song, qua hai đợt lấy chỉ số giá hàng hóa vào đầu tháng 8 và giữa tháng đã phản ánh tác động gián tiếp của việc tăng giá điện lên các hàng hóa khác.

Trong rổ tính hàng hóa, giá điện có tác động gián tiếp lớn hơn. Theo Cục Thống kê Hà Nội, CPI của thành phố tăng cao chủ yếu do nhóm dịch vụ y tế tăng giá, nếu không tính đợt tăng giá này thì CPI chỉ tăng 0,59%. Giá 819 dịch vụ khám, chữa bệnh gia tăng, trong đó hơn 700 dịch vụ điều chỉnh tương đương 70% mức trần trong khung giá viện phí do liên Bộ Y tế - Tài chính quy định. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội vẫn quyết định giữ nguyên giá của hơn 1.300 dịch vụ khác. Bởi vì, mức giá các dịch vụ y tế đã điều chỉnh tăng khoảng 2 lần so với mức giá đang áp dụng tại bệnh viện. Vì thế, thành phố quyết định không tăng tiếp có lẽ để giảm áp lực lên đời sống người dân.

Liên quan tới giá cả các mặt hàng thiết yếu, Cục Quản lý giá cho biết, tình hình khá ổn định. Giá thịt lợn tăng nhẹ do ảnh hưởng của thông tin thương lái thu mua lợn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Giá các loạt rau củ quả tăng nhẹ do ảnh hưởng mưa bão. Vụ Dự báo thống kê tiền tệ vừa công bố kết quả điều tra tại các tổ chức tín dụng cho thấy, đa số các tổ chức nhận định, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến diễn biến CPI trong quý III-2013 và cả năm nay. Kỳ vọng lạm phát đã được các tổ chức tín dụng dự báo tăng nhẹ, trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục, tỷ giá có xu hướng ổn định, tín dụng được thúc đẩy để hỗ trợ doanh nghiệp, lãi suất tiếp tục xu hướng giảm dần và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn. 

Đánh giá thận trọng triển vọng lạm phát cả năm nay, một số chuyên gia kinh tế vĩ mô tỏ ra không mấy quan ngại. Diễn biến CPI tháng 9 được dự báo ít có biến động như năm ngoái và CPI 3 tháng cuối năm chỉ vào khoảng 0,5%. Như vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát nằm trong tầm tay, song không phải vì thế mà lơi lỏng, vì mọi diễn biến kinh tế luôn biến động khó lường như thời tiết, nhất là nền kinh tế chịu tác động trực tiếp của thị trường giá cả thế giới.