Không khuyến khích thí sinh "cố" vào đại học

ANTD.VN - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, việc hạ điểm chuẩn trong đợt tuyển bổ sung không trái quy định, đảm bảo công bằng trong tuyển sinh và thí sinh có thêm nhiều cơ hội lựa chọn thay vì bắt buộc phải vào những ngành mình không thích.

Thí sinh ngày càng có nhiều sự lựa chọn để lập thân, lập nghiệp

- Kết thúc đợt xét tuyển bổ sung ĐH, CĐ đầu tiên, ông có nhận định gì khi nhiều trường thất vọng vì không tuyển đủ chỉ tiêu?

- Theo thống kê, đến 16h ngày 31-8, có 48.860 thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung vào 80.950 lượt trường với 144.600 nguyện vọng. Số liệu này cho thấy, rất nhiều thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển bổ sung vào 1 trường duy nhất và bình quân mỗi thí sinh chỉ đăng ký 3 nguyện vọng trên tổng số 6 nguyện vọng các em được phép đăng ký.

Quy chế năm nay ưu tiên cho thí sinh chọn ngành mà các em yêu thích, không khuyến khích các em “cố” đỗ vào đại học với bất cứ ngành nào. Rất nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng không trúng tuyển vào ngành mình yêu thích đã không nộp đơn xét tuyển vào ngành khác mà chấp nhận học lại để sang năm thi. 

Mặt khác, năm nay, rất nhiều trường có đề án tự chủ tuyển sinh xét tuyển bằng học bạ nên nhiều thí sinh đã trúng tuyển vào các trường này với ngành nghề mà các em yêu thích. Một số học sinh tốt nghiệp phổ thông đi học nước ngoài, một số khác đi học nghề hay tham gia thị trường lao động… Vào đại học không còn là lựa chọn duy nhất nữa mà thí sinh có nhiều sự lựa chọn khác để lập thân, lập nghiệp. Vì vậy, các trường đại học cũng phải điều chỉnh chiến lược phát triển cho phù hợp khi thí sinh đòi hỏi chất lượng đào tạo ngày càng cao hơn, yêu cầu khi tốt nghiệp đại học có nhiều cơ hội việc làm hơn.

- Thưa ông, đâu là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay?

- Thị trường việc làm là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh. Những năm trước đây, khối ngành kinh tế, quản lý, ngân hàng… được nhiều thí sinh lựa chọn thì nay, khối ngành kỹ thuật công nghệ tuyển sinh thuận lợi hơn. Thứ hai, ý thức phân luồng của thí sinh ngày nay cũng rõ ràng hơn. Những thí sinh thấy khả năng học đại học không tốt đã chọn học nghề ngay từ đầu.

Số liệu thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm nay cho thấy, có đến 30% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thứ ba, học phí ngày càng tăng (cả trường công lập và ngoài công lập) đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn của một bộ phận thí sinh. Trước đây, khi học phí thấp, sinh viên không phải tốn kém nhiều nên tâm lý chung là kiểu gì cũng cố vào đại học để có bằng, việc làm tính sau. Nay học phí cao hơn, thí sinh buộc phải tính toán về hiệu quả đầu tư. 

Thứ tư, các thông tin về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp… đã tác động nhất định đến việc lựa chọn của thí sinh. Trong khi nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, đào tạo kỹ năng ngắn hạn để làm việc có thu nhập ngay thì việc học đại học dài hạn nhưng tương lai chưa chắc tìm được việc làm cũng đã khiến nhiều thí sinh chùn bước. 

- Một số ý kiến cho rằng, khi hạ điểm xét tuyển bổ sung, sẽ không đảm bảo công bằng trong tuyển sinh?

- Không có phương án tuyển sinh nào hoàn hảo. Vì vậy, khi ban hành quy chế, Bộ đã tham khảo ý kiến rộng rãi các trường, các sở, thí sinh và toàn xã hội để lựa chọn phương án được nhiều người ủng hộ nhất. Vì vậy, cứ thực hiện đúng quy chế tức là sẽ đảm bảo được công bằng trong tuyển sinh.

Năm 2015, quy chế cho phép rút/nộp hồ sơ, giúp cho thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển nhất nhưng dư luận không đồng tình. Năm 2016, quy chế không cho phép thí sinh rút/nộp hồ sơ để khắc phục bất cập. Để hỗ trợ cho thí sinh giảm bớt rủi ro, quy chế đã cho phép thí sinh có nhiều nguyện vọng và được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi để nộp vào trường mà mình quyết định nhập học.

Nghĩa là khi đã trúng tuyển rồi mà thí sinh cảm thấy không thích ngành/trường đã trúng tuyển thì các em vẫn còn cơ hội thay đổi bằng cách không nộp giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo. Khi các em đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi thì các em đã chấp nhận nguyện vọng trúng tuyển, dành cơ hội tuyển bổ sung cho những thí sinh khác. 

Phương châm tuyển sinh năm nay là giúp thí sinh trúng tuyển vào ngành nghề mà các em yêu thích. Ngành đó không hẳn là ngành có điểm chuẩn cao mà tùy thuộc vào sự lựa chọn của từng người.