Không được phép bội chi

(ANTĐ) - Trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ 3 này, gần 500 đại biểu đã nhìn nhận, phân tích, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2007. Đằng sau tốc độ tăng trưởng GDP 8,5% hết sức “ngoạn mục”, đồng thời cũng lộ diện nguy cơ lạm phát.

Không được phép bội chi

(ANTĐ) - Trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ 3 này, gần 500 đại biểu đã nhìn nhận, phân tích, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2007. Đằng sau tốc độ tăng trưởng GDP 8,5% hết sức “ngoạn mục”, đồng thời cũng lộ diện nguy cơ lạm phát.

Ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nhận thức đầy đủ hơn tính chất phức tạp, nghiêm trọng của tình trạng rủi ro bất ổn vĩ mô gia tăng để có phương án xử lý thích hợp, cho dù có thể giảm tốc độ tăng trưởng GDP.

Những năm trước, lạm phát chưa quá nóng nên mức bội chi 5% là hợp lý, song hiện nay lạm phát đã vượt ngưỡng 12% thì dứt khoát phải giảm bội chi ngân sách còn 1-2%/năm, thậm chí không được phép bội chi. Thế nhưng trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội không thấy nói tới giảm bội chi, cắt giảm đầu tư bao nhiêu và cũng không dự toán lại ngân sách. Bội chi ngân sách 5%/năm là mức cho phép  vì nước ta đang trong quá trình phát triển và mức bội chi đó chủ yếu cho đầu tư phát triển.

Vấn đề đặt ra là một phần trong khoản tiền Chính phủ đầu tư đã không đem lại hiệu quả như mong muốn. Trước đây nước ta đầu tư 3 đồng thì thu lãi về được 1 đồng, nhưng nay bỏ ra 4-5 đồng mà chỉ thu được lãi 1 đồng. Hơn thế, tình trạng đầu tư dàn trải tràn lan như ngành điện đầu tư khu resort, viễn thông, ngành than kinh doanh cả thức ăn gia súc. Kiểu cách “ăn xổi” như thế nên bội chi là lẽ đương nhiên. Bội chi dành cho đầu tư không hiệu quả tất yếu gây ra lạm phát.

Bên lề Quốc hội khóa XII, ông Bộ trưởng Tài chính lúng túng trước câu hỏi: Để chống lạm phát phải giảm đầu tư công không hiệu quả, Bộ trưởng nói là thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch đầu tư, nhưng tiền do Bộ Tài chính chi ra mà bản thân Bộ Tài chính lại không nắm được có hiệu quả hay không? Ông Bộ trưởng cũng không trả lời câu hỏi, lần này Quốc hội có bàn về cắt giảm bội chi ngân sách không?

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết bội chi ngân sách nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép là 5% GDP, tuy vậy theo cách tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế, cộng cả trái phiếu Chính phủ, tiền vay trái phiếu cho doanh nghiệp... thì bội chi ngân sách lên tới 6,6%. Có thể cách tính bội chi của Việt Nam và cách tính quốc tế không giống nhau, nhưng hiện giờ nước ta bị bội chi 5% GDP, ít nhất phải vay 3-4 tỷ USD để bù vào.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá lợi ích và chi phí của dự án đầu tư công và công khai để biết được việc bội chi ngân sách có được dùng hiệu quả không. Việc giám sát đầu tư, phân bổ như thế nào, được “khoán trắng” cho Bộ Kế hoạch - đầu tư, Chính phủ chỉ kiểm tra. Dẫu vậy, nắm ngân sách Nhà nước, nắm đồng tiền quốc gia, tiền của nước, của dân chính là Bộ Tài chính.

Điều quan trọng nhất là bội chi phải nằm trong biên độ an toàn của an ninh tài chính quốc gia. Hiện nay hầu hết các nước đều bội chi. Bội chi ở nước ta chủ yếu dành cho đầu tư, nếu không hiệu quả thì sẽ gây ra lạm phát. Nền kinh tế đang trong giai đoạn hết sức khó khăn, Chính phủ đã có những biện pháp mạnh cắt giảm chi tiêu công, tiết kiệm chi 10%...

Đây chính là cơ hội để Quốc hội xem xét, cân nhắc cắt giảm bội chi ngân sách. Cân bằng ngân sách, không được phép bội chi, không phải đi vay là điều kiện tiên quyết bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và an sinh xã hội.

Đan Thanh