“Không được nhập nhằng trách nhiệm”

ANTĐ - Đó là ý kiến của ông Đỗ Văn Đương (ĐBQH - TP Hồ Chí Minh), liên quan đến việc các công trình thủy điện xả lũ, gây thiệt hại cho người dân một số vùng làm thủy điện.

“Không được nhập nhằng trách nhiệm” ảnh 1

- PV: Phải xử lý như thế nào khi các công trình thủy điện xả lũ sai quy trình, gây thiệt hại cho người dân? 

- Ông Đỗ Văn Đương: Trước khi xả lũ không thông báo trước cho người dân, lại xả vào ban đêm là đặc biệt nguy hiểm. Việc xả lũ muộn có thể làm lợi cho các cá nhân khoảng 1-2 tỷ đồng, nhưng gây thiệt hại cho địa phương và người dân hàng trăm tỷ đồng. Xả lũ muộn là hành vi cố ý làm trái pháp luật, vì động cơ vụ lợi, hoặc thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng, tài sản của nhân dân. Phải điều tra kỹ, nếu đúng phải truy cứu trách nhiệm hình sự và phải xử lý nghiêm,  bồi thường toàn bộ thiệt hại. Cần thiết thì đóng hẳn đập thủy điện, không cho hoạt động, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Nói mà không làm thì nhân dân khổ lắm.

Hậu quả đã rõ, nhưng phải chứng minh lỗi, cụ thể là ai? ở đâu? tỉnh nào? địa phương nào và ai chịu trách nhiệm? Đã có quy trình chưa? Trước khi mưa bão lũ đến đã xả lũ chưa? Làm trái quy định pháp luật, gây thiệt hại thì đương nhiên phải truy tố trách nhiệm hình sự!

- Câu chuyện mưa bão, lũ đã nhiều năm, vậy theo ông việc giám sát là có vấn đề?

- Cần giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan tư pháp vào cuộc điều tra cùng với các cơ quan hữu quan. Đồng thời, kiểm tra xác định trách nhiệm hành vi, hậu quả theo trình tự tố tụng, chứ không nên nói rồi để đấy mà không thực hiện.

- Phía các nhà máy thủy điện bảo lưu quan điểm làm đúng quy trình?

- Việc đúng, hay sai cơ quan điều tra đủ sức chứng minh. Vấn đề nhìn thấy ngay chính là hậu quả đã xảy ra, thời điểm xả lũ đúng vào lúc đang mưa lớn, chứ không phải xả trước đó. 

Xả lũ trái quy định pháp luật, gây thiệt hại phải bị truy tố trách nhiệm hình sự 
(Ảnh minh họa)

- Nếu có sai phạm thì người ra quy trình có bị xử lý hình sự không, thưa ông?

- Đương nhiên, người xử lý quy trình sai phải chịu trách nhiệm gián tiếp. Quy trình đã có, nhưng chưa cụ thể. Phải quy định rõ là trước khi nghe dự báo thời tiết, trong vòng 1-2 ngày mà có bão, mưa, áp thấp thì lập tức phải xả lũ để tăng dung tích hồ chứa lên, bảo đảm khi lũ về không còn tình trạng xả như hiện nay dẫn đến tình trạng lũ chồng lũ.

Trách nhiệm trực tiếp chắc chắn phải thuộc về Bộ Công Thương, còn Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm gián tiếp. Vấn đề quan trọng nhất là phải quy rõ trách nhiệm chính của ai, không được nhập nhằng trách nhiệm giữa các Bộ.