Không dự báo được giông lốc

ANTĐ - Trận giông lốc chiều tối 13-6 trên địa bàn TP Hà Nội chỉ  diễn ra trong vòng 30 phút nhưng hậu quả mang lại hơn một cơn bão. Các huyện ngoại thành thiệt hại không đáng kể, chỉ có hơn 400 cây xanh bị gãy đổ, trong khi đó, khu vực các quận nội thành thì xơ xác.

Theo ghi nhận của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trận giông nhiệt xảy ra ở Hà Nội vào chiều tối 13-6, tại Hà Đông đo được ở cấp 9, khu vực Láng ở cuối cấp 8. Tuy nhiên, một số khu vực có nhiều nhà cao tầng thì cường độ mạnh hơn.

Xuất phát của trận giông nhiệt chiều 13-6 từ Hòa Bình, chỉ là một cơn giông nhiệt mùa hè bình thường, đi qua các huyện như Ba  Vì, Thạch Thất, Thanh Oai, Hoài Đức… rồi về đến các quận nội thành.

Đáng nói, khi cơn giông nhiệt di chuyển về đến các quận nội thành như Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm… thì cường độ đã đột ngột mạnh lên, vì vậy đã gây hậu quả nặng nề cho khu vực này.

Chỉ 30 phút mưa giông đã gây hậu quả nặng cho các quận nội thành Hà Nội

Lý giải về điều bất thường này, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Mỹ đã chỉ ra rằng, vào mùa hè, các cơn giông nhiệt ở khu vực TP thường mạnh và lớn hơn ở khu vực nông thôn.

Nguyên nhân được chỉ ra, do hiệu ứng đô thị. Cụ thể, khu vực TP mật độ nhà cao tầng dày, bê tông hóa lớn nên hấp thu nhiệt tạo dòng đối lưu mạnh hơn. Trong khi đó, khu vực nông thôn, ít dân cư, mật độ nhà cao tầng ít thì sự hấp thu nhiệt thấp hơn. Bằng chứng về mùa hè, khu vực thành thị thường có nền nhiệt độ cao hơn từ 2-3 độ so với khu vực nông thôn.

Ngay sau khi xảy ra cơn giông bất thường, không ít người đã băn khoăn về việc dự báo yếu, trả lời về vấn đề này, ông Hải cho hay, đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, giông lốc chỉ có thể cảnh báo mà khó có thể đưa ra dự báo. Thời gian cảnh báo trước thời điểm giông lốc, mưa đá xảy ra chỉ khoảng 30 phút đến 3 tiếng. Bên cạnh đó, cũng khó để dự báo về cường độ của giông lốc vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố môi trường tại nơi xảy ra như mật độ nhà cao tầng, tỷ lệ bê tông hóa,…

 

Nhiều cây cổ thụ lâu năm bị bật gốc, trong khi các huyện ngoại thành dường như không hề hấn gì

Tuy vậy, lãnh đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, khả năng lặp lại một trận giông lớn như vậy tại Hà Nội trong những ngày tới là rất khó. “Trận giông  có thể xem là bất thường, nhiều năm nay mới ghi nhận được trên địa bàn Hà Nội, vì vậy rất khó để lặp lại với tần suất ngắn như vậy”, ông Hải nhận định.

Theo Trung tâm Dự báo KTTTV Trung ương, giông là hiện tượng khí quyển phức tạp. Ở những vùng có giông, các yếu tố khí tượng thường thay đổi đột ngột như sự giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm không khí, đột biến của khí áp, hướng và tốc độ gió. Giông được hình thành khi có đối lưu mạnh, sự phát triển đối lưu ở trong mây có ý nghĩa rất lớn đối với sự tạo ra giông.

Địa hình cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát sinh và phát triển mây giông. Giông xảy ra nhiều hơn vào ban ngày, nhất là xế trưa hoặc chiều tối.