Không để “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn từ Hà Nội (3): Cơ quan xét xử phải có chuyên môn cao, bản lĩnh chính trị vững vàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trả lời phỏng vấn An ninh Thủ đô, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính khẳng định: “Các vụ án tham nhũng, tiêu cực đều được TAND TP Hà Nội khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và đưa ra xét xử kịp thời. Phán quyết của Tòa án được lập luận đanh thép, chặt chẽ, sắc bén; hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng, giảm nhẹ đối với những bị cáo có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bồi thường thiệt hại và khắc phục số tiền chiếm hưởng”. Góc nhìn từ Tòa án Hà Nội cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt, kịp thời của Thủ đô đối với án tham nhũng, tiêu cực, không để “trên nóng, dưới lạnh”, không để trên thì vội vã, dưới nhiều nơi còn thư thả…

- PV: Có thể nói, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay của Đảng và Nhà nước ta vẫn đang diễn ra hết sức quyết liệt với tinh thần không khoan nhượng và “không có vùng cấm”. Đơn cử như hàng loạt vụ án liên quan đến Công ty Việt Á và vụ án “Những chuyến bay bảo hộ công dân giữa đỉnh Covid-19” đang được cơ quan tố tụng đẩy mạnh điều tra, làm rõ. Với vai trò là cơ quan xét xử, Chánh án TAND TP Hà Nội nhìn nhận thế nào về việc giải quyết các vụ án tham nhũng trong giai đoạn hiện nay?

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính

- Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính: Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo của toàn dân, kinh tế - xã hội của nước ta đã thu được những kết quả đáng khích lệ; an ninh - quốc phòng được giữ vững ổn định. Đặc biệt, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự chỉ đạo bài bản của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và gần đây là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành ủy Hà Nội đã thu được những kết quả hết sức tích cực. Hàng loạt vụ án tham nhũng lớn đã được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử kịp thời, nghiêm minh. Điều đó cho thấy quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Công cuộc này đã tạo sự lan tỏa tích cực trong xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình và ủng hộ.

Giữ vai trò cơ quan xét xử của Thủ đô, trong những năm gần đây, số lượng các vụ án TAND TP Hà Nội thụ lý giải quyết ngày càng tăng. Bình quân mỗi năm tăng từ 8-10%, trong đó có nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quan tâm theo dõi. Điển hình: Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Á châu (ACB); vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank); vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); vụ án Nguyễn Bắc Son và đồng phạm xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ… Và gần đây nhất là các vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam.

Quá trình thụ lý giải quyết các vụ án này, TAND TP Hà Nội Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, thực hiện đúng quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Các vụ án đều được khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và đưa ra xét xử kịp thời. Phán quyết của Tòa án được lập luận đanh thép, chặt chẽ, sắc bén; hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng, giảm nhẹ đối với những bị cáo có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bồi thường thiệt hại và khắc phục số tiền chiếm hưởng. Đường lối xử lý ấy thể hiện tính nhân văn sâu sắc, được dư luận trong nước, quốc tế đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay.

- PV: Dư luận xã hội đều biết, TAND TP Hà Nội là cơ quan xét xử án tham nhũng nhiều nhất và với những vụ án tham nhũng lớn nhất trên cả nước, đồng chí Chánh án có thể chia sẻ kinh nghiệm, cũng như phương pháp trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, tiêu cực thời gian gần đây?

- Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính: Nhiều năm qua, trong số các vụ án tham nhũng mà TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử luôn có những vụ hồ sơ lên đến hàng chục nghìn, trăm nghìn bút lục. Điển hình nhất là vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương - Oceanbank. Để có thể giải quyết tốt các vụ án tham nhũng, tiêu cực thì việc tổ chức nghiên cứu hồ sơ khoa học, hiệu quả là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng.

Quá trình giải quyết các vụ án này, TAND TP Hà Nội đều lựa chọn những Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có năng lực chuyên môn cao, kinh nghiệm xét xử và bản lĩnh chính trị vững vàng. Ngoài ra, những người được lựa chọn, phân công “cầm cân nảy mực” phải nhận thức đầy đủ về ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng của việc giải quyết vụ án cũng như trách nhiệm của Thẩm phán và Hội đồng xét xử khi được phân công giải quyết vụ án. Tiếp đến là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân được phân công phải chủ động tiếp cận, đánh giá các chứng cứ buộc tội, gỡ tội ngay từ khi khởi tố điều tra, truy tố, kịp thời yêu cầu thu thập bổ sung những tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án, đảm bảo nguyên tắc Hiến định “phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực”. Điều này rất cần thiết đối với việc giải quyết các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.

Tòa xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) - một trong những vụ án tham nhũng điển hình được Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử

Tòa xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) - một trong những vụ án tham nhũng điển hình được Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử

Ngay sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, TAND TP Hà Nội đều thành lập tổ công tác bao gồm một số Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký tòa án có kinh nghiệm để tổ chức nghiên cứu hồ sơ. Việc nghiên cứu được tiến hành theo từng hành vi mà cáo trạng truy tố gắn với tội danh, diện truy tố, chứng cứ buộc tội, gỡ tội... Đồng thời phải lên kế hoạch xét xử tỉ mỉ và đặc biệt phải tiên lượng, dự báo, dự đoán được các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa như: buộc phải hoãn phiên tòa vì bị cáo ốm, luật sư vắng mặt hoặc bị cáo, luật sư đưa ra tài liệu, chứng cứ mới, thiếu người tham gia tố tụng... để có phương án xử lý phù hợp. Chính nhờ công tác nghiên cứu hồ sơ được tổ chức một cách bài bản, khoa học, thận trọng, tỉ mỉ đã giúp Hội đồng xét xử nắm vững hồ sơ, chủ động trong việc điều hành phiên tòa cũng như giải quyết các tình huống phát sinh tại phiên tòa, góp phần quan trọng cho sự thành công của phiên xét xử về án hình sự kinh tế, tham nhũng.

- PV: Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị để bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh và lấy lại niềm tin của nhân dân, song nhiệm vụ cải cách tư pháp với tinh thần “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cũng rất quan trọng. Đồng chí Chánh án có thể cho biết, TAND TP Hà Nội đã thực hiện thế nào trong các vụ án tham nhũng?

- Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính: Thực tế cho thấy, trong các vụ án tham nhũng lớn, đa phần các bị cáo đều có trình độ học vấn cao, kinh nghiệm quản lý lâu năm, có những mối quan hệ xã hội. Thậm chí có cả những bị cáo nguyên là cán bộ cấp cao trong bộ máy Nhà nước. Để xét xử thành công các vụ án này thì công tác chính trị tư tưởng đối với các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký Tòa án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, TAND TP Hà Nội thường xuyên quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về việc phải không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”. Quá trình làm việc, nghiên cứu, giải quyết vụ án, phải luôn tuân thủ nguyên tắc hàng đầu là “Thượng tôn pháp luật”, việc xét xử phải đảm bảo tính công bằng, công tâm, luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, không kết án oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.

Chính nhờ làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, trong các phiên tòa do TAND TP Hà Nội xét xử trong thời gian vừa qua, nên Hội đồng xét xử đều điều hành phiên tòa một cách công minh, khách quan; Hội đồng xét xử bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, không hạn chế thời gian tranh tụng, Kiểm sát viên thực hiện đối đáp đến cùng, tạo sự dân chủ, công khai khách quan, giúp bảo đảm quyền con người. Qua quá trình tranh tụng công khai đã giúp các bị cáo nhận thức và hiểu rõ hành vi phạm tội của mình, nhiều bị cáo đã chuyển từ thái độ chống đối, chối tội sang “tâm phục khẩu phục”, thừa nhận hành vi phạm tội của mình và xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân. Thực tiễn đã chứng minh, trong các vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử tại TAND TP Hà Nội, đa phần các bị cáo đều “tâm phục, khẩu phục” và cảm ơn Hội đồng xét xử vì đã tạo điều kiện cho họ được trình bày. Các bị cáo hầu hết đều có cảm nhận về một phiên tòa khách quan, công tâm. Điều này thể hiện tính đúng đắn của chiến lược cải cách tư pháp mà nước ta đã thực hiện trong những năm qua.

TTCVN

TTCVN

- PV: Năm 2022, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dường như còn quyết liệt, mạnh mẽ hơn hẳn thời gian trước và hiện tại, nhiều vụ án tham nhũng lớn đang trong giai đoạn điều tra hoặc chuẩn bị đưa ra xét xử. Đồng chí Chánh án cho biết, nhiệm vụ này sẽ được TAND TP Hà Nội quán triển, triển khai như thế nào?

- Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính: Hiện tại, theo quy định của pháp luật hình sự và được sự tín nhiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng như Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành ủy, TAND TP Hà Nội đang tiếp tục được giao thụ lý, giải quyết nhiều vụ án tham nhũng lớn mà dư luận xã hội rất quan tâm. Đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là trọng trách rất lớn trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Để có thể hoàn thành tốt việc xét xử các vụ án này, TAND TP Hà Nội sẽ phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân Tối cao, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội và vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Kế đến là tiếp tục phát huy những điểm đạt được, kinh nghiệm đã tích lũy được, khắc phục những điểm còn tồn tại, hạn chế rút ra trong quá trình tổ chức xét xử thành công nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Quá trình giải quyết các vụ án sẽ tăng cường củng cố, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan tố tụng ở Trung ương và thành phố cũng như với các sở, ban, ngành thành phố. Sau nữa là tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên quán triệt đến các Thẩm phán, cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị không ngừng học hỏi, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng - Trưởng văn phòng luật sư Hưng Giang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội (Nguyên Kiểm sát viên cao cấp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao): Người dân Thủ đô đang rất trông đợi và kỳ vọng

Luật sư Nguyễn Đình Hưng

Luật sư Nguyễn Đình Hưng

Có thể khẳng định, Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ năm (diễn ra từ ngày 4 đến 10-5-2022) bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là chủ trương có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, theo tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Thực tế cho thấy, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng, Nhà nước ta đang triển khai là rất đúng đắn và phần nào đáp ứng được mong mỏi của nhân dân. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” từ Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt được những kết quả rất tích cực, không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, cùng với việc chống tham nhũng, chúng ta cần phải xem xét, nhanh chóng xây dựng, củng cố được cơ chế chính sách, pháp luật một cách rất cụ thể để bảo đảm triệt tiêu tiêu cực. Đồng thời cũng phải đáp ứng được các yêu cầu phát triển và phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội cụ thể. Vì khuynh hướng xã hội của nước ta hiện nay luôn gắn chặt với xu thế của thế giới và biến thiên rất nhanh. Nếu không kịp thời xây dựng, bồi dưỡng cho lớp cán bộ một tầm kiến thức, suy nghĩ sâu rộng thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ không đạt được hiệu quả như mong đợi. Thậm chí, nó còn có thể dẫn tới hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” hoặc “không nghe kịp”.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta chỉ tập trung vào chống mà không xây dựng được hệ thống pháp luật, chế định để uốn nắn xã hội phát triển và không tập trung thỏa đáng cho việc xây dựng ấy thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó lòng đạt được kết quả như kỳ vọng. Nói một cách hình ảnh là trong xây dựng công trình thì luôn cần phải có bản vẽ thiết kế, còn trong xã hội thì luôn cần phải có các chế định, bộ luật để thúc đẩy. Chế định, pháp luật chính là xương sống để phát triển xã hội. Bằng không thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rồi đây rất dễ trở lại thành khẩu hiệu. Thiết chế pháp lý, thiết chế điều hành, quản lý xã hội sẽ là công cụ bổ trợ rất đắc lực cho chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả trong giai đoạn hiện nay cũng như lâu dài.

Chẳng hạn lâu nay, một số đồng chí lãnh đạo Nhà nước vẫn nói “giao quyền cho địa phương chủ động”. Nhưng ở góc độ pháp luật thì đôi khi không khéo cái chữ “giao” đấy lại trở thành thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm hoặc lạm quyền. Do đó, bên cạnh chủ trương, chính sách quyết liệt và biện pháp pháp luật để chống, để phát hiện, xử lý nghiêm minh “giặc nội xâm” thì còn cần kịp thời đưa ra một hệ quy phạm pháp luật về định hướng phát triển và phải không ngừng giáo dục, bồi dưỡng cho các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức trong bộ máy Nhà nước.

Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả như mong đợi, chúng ta cần phải hiểu được nguyên nhân sâu xa và cái gốc của vấn đề. Bởi lẽ có rất nhiều tội phạm phát sinh do cơ chế và từ cơ chế. Vì đôi khi thực hiện rất đúng chủ trương nhưng lại sai phương pháp, cách thức nên dẫn đến sai phạm đến mức bị xử lý. Chống tham nhũng, tiêu cực nếu không lấy thiết chế pháp lý làm xương sống, trụ cột sẽ dễ dẫn tới tình trạng chỉ chăm chăm bảo vệ bản thân mình, đồng thời triệt tiêu tính sáng tạo, tính tự chủ và tính độc lập trong quản lý điều hành. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ chống, nhất thiết cần phải tạo điều kiện, mở đường để nuôi dưỡng sự sáng tạo, tính tự chủ ở mỗi cán bộ, mỗi cấp, mỗi ngành. Mà muốn có được tính tự chủ thì cần phải có hệ thống pháp luật cùng thiết chế quản lý, điều hành bộ máy, xã hội phù hợp. Chúng ta đang mong muốn quản lý Nhà nước bằng pháp luật nhưng lại chưa chú trọng tới việc xây dựng hệ thống pháp luật, dẫn đến sự thiếu hụt các thiết chế này. Thế nên cần phải nhanh chóng xây dựng được một thiết chế để khiến mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng”.

Về đường lối và chế tài xử lý tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng chúng ta đã rất mạnh dạn xử lý, thậm chí là đánh thẳng cả vào những “huyệt đạo” quan trọng trên thân thể mình một cách mạnh mẽ. Thời gian qua, ngay cả những người, những nhân vật từng là Ủy viên Bộ Chính trị hay Ủy viên Trung ương Đảng cũng bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Vậy nhưng xử lý tham nhũng nếu không bài bản, không khéo léo sẽ dễ xâm lấn vào những quy định pháp luật mang tính ổn định và làm giảm tính hiệu quả của hoạt động tố tụng, của cơ quan tư pháp. Từ đó có thể gây ra sự khủng hoảng về niềm tin và không còn đúng với nguyên nghĩa của Nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Với việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp thành phố, nhân dân Thủ đô đang rất trông đợi và kỳ vọng về một Hà Nội với những cơ chế, bộ máy, tổ chức, con người thực sự trong sạch, liêm chính. Và điều đó sẽ sớm được hiện hữu ở mọi lĩnh vực, ngóc ngách trong đời sống xã hội tại Thủ đô.

Trịnh Tuyến (Ghi)

Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội: “Tham nhũng vặt” làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức

Luật sư Nguyễn Văn Hà

Luật sư Nguyễn Văn Hà

“Tham nhũng vặt” là cách nói thông thường, được đông đảo mọi người dùng trong thực tế đời sống. Ở góc độ pháp lý, đó vẫn là tham nhũng nhưng ở mức độ thấp, mang tính nhỏ nhặt. “Tham nhũng vặt” là hành vi của cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, cung cấp dịch vụ công nhằm buộc hoặc gợi ý doanh nghiệp, người dân phải “lo lót”, “bôi trơn” vì mục đích vụ lợi cá nhân.

Thực trạng này phổ biến trong cả nước và Hà Nội không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, để phát hiện, ngăn chặn hoặc đưa ra xử lý hành vi “tham nhũng vặt” không hề dễ dàng. Vấn nạn “tham nhũng vặt” nó tác động và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, nhất là đối với đời sống dân sinh. “Tham nhũng vặt” làm bất ổn chính trị lẫn xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chính quyền, đối với cán bộ công chức, đồng thời gây ra tác hại rất nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế, làm chậm nhịp độ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, gây thiệt hại vật chất rất lớn cho chính quyền và người dân. Mặt khác, nó còn làm tha hóa đội ngũ cán bộ công chức, bất chấp việc vi phạm pháp luật, làm trái công vụ, trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp.

Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Trên cơ sở đó, Ban

Bí thư đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2-6-2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vai trò của Ban chỉ đạo này là chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy thông qua hoạt động theo phạm vi trách nhiệm được giao làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục sai phạm; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị...

Với việc Thành ủy Hà Nội lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hà Nội, người dân Thủ đô kỳ vọng cơ quan này sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, trong đó có tình trạng “tham nhũng vặt” với những biện pháp tích cực, hiệu quả cùng những chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp, hài hòa, minh bạch và công khai hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính dễ phát sinh “tham nhũng vặt” như đăng ký kinh doanh, hộ tịch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Một khi minh bạch hóa và đơn giản hóa tất cả các thủ tục hành chính với công cuộc cải cách thủ tục hành chính thì chắc chắn hành vi “tham nhũng vặt” sẽ sớm được ngăn chặn và đẩy lùi.

Minh Long (Ghi)

(Còn nữa)