Không dễ đánh giá sai lệch, thiếu thiện chí về nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) là câu chuyện thành công của Việt Nam được thế giới ghi nhận. Thậm chí, Việt Nam được coi như mô hình đối phó hiệu quả với đại dịch. Thế nhưng, vẫn có những đánh giá sai lệch, xuất phát từ cái nhìn thiên kiến, thiếu thiện chí với Việt Nam.
Báo Pháp ca ngợi thành công của Việt Nam trong ngăn chặn dịch Covid-19

Báo Pháp ca ngợi thành công của Việt Nam trong ngăn chặn dịch Covid-19

Những nhận xét vô căn cứ, thiếu cơ sở khoa học

Cuối năm, người ta thường đưa ra những đánh giá, tổng kết trên nhiều lĩnh vực, liên quan đến nhiều nước. Cuộc chiến với Covid-19 đương nhiên là vấn đề nổi bật trong năm và thành công của Việt Nam được nhắc tới nhiều. Điều này không có gì phải bàn luận thêm nếu như không có nhận xét vô căn cứ, thiếu cơ sở khoa học mới xuất hiện gần đây cho rằng: “Việt Nam đã phải chống chọi ở trong một điều kiện là bệnh dịch gia tăng khá là nhanh trong giai đoạn đầu, nhưng rất may có lẽ là chủng virus có những tác động rất nhẹ lên cấu trúc gene của người Việt Nam, cho nên việc chống dịch cũng khá hiệu quả”.

Đây quả là nhận xét thiếu cơ sở, coi nhẹ, thậm chí phủ nhận những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch. Thực tế cho đến nay, chưa thấy có nghiên cứu khoa học nào khẳng định người Việt có yếu tố gene đặc biệt, khiến virus SARS-CoV-2 “ưu ái” riêng với người Việt, khác biệt so với người dân các nước khác.

Kể từ khi Covid-19 bùng phát, đã không ít lần, nỗ lực ngăn dịch của Việt Nam trở thành mục tiêu bịa đặt, nói xấu, chỉ trích của những người vốn luôn có cái nhìn thiên kiến, thiếu thiện chí với Việt Nam. Trước thực tế trong thời gian dài, trong khi Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới, cướp đi sinh mạng cả triệu người, còn ở Việt Nam số người nhiễm bệnh tăng rất chậm và chưa có ai thiệt mạng, thì những người này dựng lên chuyện rằng “Việt Nam giấu dịch”.

Tất nhiên, với đại dịch nguy hiểm chết người và quy mô tàn phá khủng khiếp mà nó gây nên khắp nơi trên thế giới, sẽ có người không khỏi thắc mắc, thậm chí đặt ra những nghi vấn khi đọc thông tin về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam. Chẳng hạn, có những chia sẻ trên mạng xã hội tỏ ra không hiểu sao Giáng sinh ở Việt Nam lại tấp nập, đông đúc và vui vẻ như vậy, trong khi ở phần lớn các quốc gia khác, các nhà thờ hạn chế hoặc cử hành lễ trong giới hạn, các khu phố buôn bán thưa vắng người, các thành phố lớn im lìm vì các lệnh phong tỏa. Họ nghĩ rằng Việt Nam coi thường đại dịch hoặc giấu dịch.

Với những trường hợp thiếu thông tin như trên, có thể phần nào thông hiểu. Tuy nhiên, với những thông tin sai lệnh, bịa đặt về Việt Nam thì không thể chấp nhận, bởi nó xuất hiện không phải ngẫu nhiên, mà xuất phát từ những người luôn có cái nhìn thiếu thiện chí với Việt Nam. Hãy xem cách hành xử của những người này. Lúc đầu, họ tỏ ra nghi ngờ những thông tin về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam. Đến khi Việt Nam trở thành “một hiện tượng”, “một mô hình” chống dịch mà báo chí cả thế giới ca ngợi, thì những người này lập tức đổi giọng, quay sang tìm lý do khác để nói xấu Việt Nam.

Khi Việt Nam bắt đầu thu phí cách ly với hành khách nhập cảnh đến Việt Nam, bao gồm cả người mang quốc tịch Việt Nam và người nước ngoài, riêng người mang quốc tịch Việt Nam vẫn sẽ được chữa bệnh miễn phí nếu mắc Covid-19, thì họ la lên rằng Mỹ, Hàn Quốc, Australia… có thu phí cách ly của người dân đâu mà Việt Nam lại thu, dù điều này không đúng bởi các nước đó đều thu phí. Chẳng biết dựa trên cơ sở nào, họ lập luận Việt Nam chống dịch tốt nhờ vi phạm quyền “tự do dân chủ” của người dân.

Minh chứng về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch

Có thể khẳng định, thành công của Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 không phải tự nhiên xuất hiện, mà là nỗ lực của cả cộng đồng. Giới chuyên gia đều chung nhận định bài học trước tiên là Chính phủ Việt Nam đã phản ứng mau lẹ, dứt khoát, nhanh chóng, kịp thời, quyết liệt, chủ động với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và những biện pháp đồng bộ, linh hoạt.

Trong khi nhiều nước còn chủ quan, chưa lường trước được tình trạng lây lan, thì Việt Nam đã áp dụng ngay biện pháp kiểm soát chặt. Điều này vừa tạo tâm lý không chủ quan, vừa tập dượt chuẩn bị cho giai đoạn phức tạp hơn của dịch bệnh. Khi nhiều nước còn phân vân thiệt hơn giữa biện pháp chống dịch nghiêm ngặt với thiệt hại về kinh tế, thì Việt Nam đã khẳng định “sẵn sàng chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân”.

Việt Nam là quốc gia rất dễ bị tổn thương bởi có đường biên giới dài và giao thương rộng rãi với “tâm dịch” Trung Quốc, trong khi có mật độ dân cư đông đúc và cơ sở hạ tầng y tế, nguồn lực còn hạn chế. Bởi vậy, sự thận trọng và phản ứng nhanh chóng đã giúp Việt Nam phản ứng và kiểm soát hiệu quả không chỉ trong đợt bùng phát dịch đầu tiên với đợt phong tỏa hồi tháng 4, mà cả khi dịch tái bùng phát ở Đà Nẵng sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, dẫn tới đợt phong tỏa hồi tháng 7.

Cùng với đó, với tinh thần “tương thân, tương ái”, “không để ai bị bỏ lại phía sau” và khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã tạo “sự đoàn kết một lòng của toàn xã hội” trong cuộc chiến với Covid-19. Đây là một trong những nguyên nhân mà thế giới đánh giá là đã giúp Việt Nam thành công trong chống dịch. Kết quả khảo sát của các hãng quốc tế cho thấy Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dân tin tưởng và ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19. Đơn cử như cuộc khảo sát của hãng YouGov thực hiện hồi tháng 5-2020, có tới 97% người Việt Nam tin tưởng Chính phủ đang xử lý dịch Covid-19 tốt và 90% tin tưởng vào những phương tiện truyền thông nước nhà đăng tải về dịch bệnh.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, thành công của Việt Nam đã gây ấn tượng với dư luận quốc tế. Báo chí thế giới mô tả Việt Nam vừa là “ngọn hải đăng” trong chống dịch Covid-19 và “điểm sáng” trong tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp chủ động, tích cực hợp tác, chia sẻ cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống Covid-19 và thích nghi với trạng thái “bình thường mới”.

Thế giới coi Việt Nam như một minh chứng điển hình về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) gọi là “bài học ý nghĩa với các nước đang phát triển khác”. Tổ chức y tế thế giới (WHO) thì đề cao cách thức Việt Nam ứng phó với Covid-19 trong đợt dịch đầu tiên cũng như đợt tái bùng phát ở Đà Nẵng và kêu gọi các nước khác tham khảo những biện pháp mà Việt Nam áp dụng. Tất cả thực tế nêu trên là bằng chứng rõ ràng phủ nhận những nhận xét không có cơ sở, thiếu thiện chí về nỗ lực chống dịch Covid-19 của Việt Nam.