Lợi dụng tôn giáo để chống phá Việt Nam chỉ chuốc lấy thất bại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Dù là chiêu bài cũ rích, lặp đi lặp lại hết năm này sang năm khác, song tôn giáo vẫn bị các thế lực thù địch, phản động, những người thiếu thiện chí luôn tìm cách lợi dụng nhằm xuyên tạc, vu khống để hướng tới mục đích sâu xa là chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ở Việt Nam.

Tự do tín ngưỡng và tôn giáo được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế cuộc sống

Tự do tín ngưỡng và tôn giáo được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế cuộc sống

Chiêu trò rũ rích, nhàm chán

Quá nhàm chán và chẳng có gì mới mẻ chuyện một số tổ chức và cá nhân luôn tìm cách sử dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam về dân chủ, nhân quyền. Vì cũ rích nên các luận điệu mà họ đưa ra cứ lặp đi lặp lại nào là Việt Nam đàn áp tôn giáo, Việt Nam vi phạm quyền “tự do tôn giáo” của người dân… để rồi lớn tiếng đòi cái gọi là tự do tôn giáo, tách tôn giáo khỏi sự quản lý của Nhà nước, yêu cầu chính quyền không kiểm soát, kiểm duyệt các tôn giáo, cho phép tôn giáo được tự do hoạt động.

Chỉ cần lướt qua những trang mạng của một số tổ chức, cá nhân thù địch, chống đối, các phần tử lưu vong, phản động, các tổ chức thiếu thiện chí… có thể thấy la liệt các thông tin, luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, vu khống Việt Nam trong vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng. Những thông tin sai trái này na ná như nhau, đại loại như “Việt Nam đưa ra các biện pháp hạn chế tự do tôn giáo”, “sách nhiễu, đàn áp các tín đồ tôn giáo”, “hạn chế số lượng sinh viên được phép đào tạo thành linh mục”…

Một số đối tượng còn tuyên truyền, chỉ trích, vu cáo như “chính quyền Việt Nam cấm đoán nhiều tổ chức, hệ phái tôn giáo hoạt động”, “kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tôn giáo” đã được Chính phủ công nhận, “cấm mục sư Tin lành đi lại truyền đạo, cấm con em những người theo đạo đến trường” để rồi đưa ra những đòi hòi, yêu sách vô lý, trái pháp luật. Họ cũng đưa những thông tin về một số chức sắc, tín đồ có tư tưởng cực đoan, quá khích nhằm hậu thuẫn, kích động, hỗ trợ cho những người này có những hoạt động vi phạm pháp luật.

Đến khi, những đối tượng vi phạm pháp luật bị xử lý theo quy định pháp luật, họ liền lớn tiếng bênh vực, bảo vệ, đồng thời mượn cớ để chỉ trích, phản đối Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng nước ta. Đồng thời, dấy lên những yêu sách như phải trả tự do cho những người mà họ gọi là “tù nhân tôn giáo” hay “tù nhân lương tâm”.

Điều đáng nói là như một sự “ngược dòng” trong quan hệ Việt - Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng Ủy hội tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ cũng thường xuyên đưa ra các báo cáo với cách nhìn sai lệch, thiên kiến về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Từ đó, đưa ra đánh giá không khách quan về tự do tôn giáo ở Việt Nam, tạo diễn đàn để các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí xuyên tạc, vu khống Việt Nam.

Trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố trong năm 2020, lại đưa ra những thông tin không chính xác, không khách quan cùng đánh giá sai lệch về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Trong đó, dù phải thừa nhận thực tế về những thành tựu và tiến triển của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam, song Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế đưa ra năm 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn có đánh giá sai trái rằng “Việt Nam tìm cách đàn áp tự do tôn giáo, đặc biệt nhắm vào các nhóm tôn giáo không được chính quyền thừa nhận, dưới nhiều hình thức”.

Ủy hội tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ thậm chí còn kêu gọi Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) để có biện pháp trừng phạt.

Thực tế tự do tôn giáo sống động

Trước hết cần khẳng định là ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là “đàn áp tôn giáo” hay “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo”… mà chỉ có các đối tượng bị xử lý, bắt giữ vì hành vi vi phạm pháp luật. Bởi xét về bản chất, tôn giáo là một tổ chức tập hợp những người tin theo một đối tượng tôn thờ, tín ngưỡng nhất định. Như mọi tổ chức tồn tại, hoạt động trong xã hội đều phải chịu sự quản lý, giám sát của Nhà nước, tuân thủ quy định của pháp luật, các tôn giáo do đó cũng phải chịu sự quản lý của Nhà nước, phải chấp hành quy định của pháp luật. Các cá nhân trong các tôn giáo nếu vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhìn rộng ra, tất cả những ai công tâm, khách quan nếu theo dõi vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đều rất dễ dàng thấy những thông tin, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống Việt Nam trong vấn đề này là những luận điệu bịa đặt cũ rích, được nhào nặn, lặp đi, lặp lại với ý đồ chính trị xấu xa, thâm hiểm. Trong chiến lược chống phá Việt Nam, những kẻ thiếu thiện chí, phần tử bất mãn, thù địch và phản động luôn lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo, coi đó là một “mũi nhọn” để công kích, chống phá Việt Nam.

Mục tiêu xuyên suốt và sâu xa của chúng là muốn đối lập tôn giáo với chế độ xã hội chủ nghĩa; tách các tôn giáo khỏi khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Để thực hiện điều đó, họ không từ một thủ đoạn nào, từ xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo đến dựng chuyện bịa đặt, vu cáo các cấp chính quyền phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo để kích động, chia rẽ trong nước và hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế… Mục đích đằng sau đó không gì khác là phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh-trật tự và ổn định xã hội, phá hoại cuộc sống bình yên của người dân.

Trên thực tế, tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân là những quy định được ghi rõ trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Việt Nam. Để bảo đảm các quyền này, Việt Nam không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 có bước tiến mới khi thay cụm từ “quyền công dân” bằng “quyền con người”, khẳng định quyền con người, trong đó là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người, được Nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm.

Những con số biết nói ở Việt Nam chính là minh chứng sống động nhất cho tự do tôn giáo ở nước ta hiện nay. Theo đó, tại Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55 nghìn chức sắc, 145 nghìn chức việc, 29 nghìn cơ sở thờ tự. Hiện 95% số dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8 nghìn lễ hội tín ngưỡng tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân…

Ghi nhận và đánh giá cao tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức thành công ở Việt Nam. Điển hình là việc Liên hợp quốc đã chọn Việt Nam làm địa điểm để tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc trong các năm 2008, 2014, 2019. Cùng với đó, các sự kiện như Kỷ niệm 500 năm cải chánh Đạo Tin lành, Tổng Hội dòng Đa minh thế giới cũng được tổ chức thành công ở Việt Nam.

Với những thực tế tự do tôn giáo không thể bác bỏ đó, mọi chiêu bài, toan tính dùng tôn giáo để chống phá Việt Nam chắc chắn đều phải chịu chung sự thất bại thảm hại.