Không có ngoại lệ trong xử lý dự án “treo”

ANTĐ - Hôm qua, 15-7, kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã bế mạc sau 3 ngày làm việc. Trước đó, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội giai đoạn 2011-2015.
 Hà Nội tái khẳng định quyết tâm xử lý 239 dự án “treo”
 Hà Nội tái khẳng định quyết tâm xử lý 239 dự án “treo”
 

Theo đó, cơ bản giữ nguyên các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá, giải pháp. Đáng chú ý, nghị quyết chưa thông qua danh mục các dự án trọng điểm, chờ UBND TP tiếp tục hoàn thiện và trình tại kỳ họp sau. Theo “bức tranh” tổng thể về kinh tế - xã hội của Thủ đô đến 2015, GDP của Hà Nội dự kiến tăng bình quân 12-13%/năm, thu nhập bình quân đầu người từ 82-86 triệu đồng, diện tích nhà ở đô thị bình quân 28m2/người... Lượng vốn đầu tư để thực hiện Kế hoạch ước lên tới 1.500.000 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước khoảng 30%. Còn lại là vốn ngoài Nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Phát biểu tại lễ bế mạc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, trong những tháng cuối năm, UBND TP cam kết tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm phiền hà, sách nhiễu. UBND TP sẽ nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm tăng 14,3%; kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; đặc biệt phải có những giải pháp mạnh mẽ, linh hoạt, kịp thời và nhanh nhạy thực hiện có hiệu quả việc bình ổn giá. Đây được xem là thách thức lớn trong bối cảnh TP vẫn thực hiện nghiêm các giải pháp kiềm chế lạm phát.

Liên quan tới việc xử lý các dự án “treo”, UBND TP tiếp tục khẳng định quan điểm xử lý theo đúng quy định của luật, không có ngoại lệ. Tuy nhiên, đồng tình với ý kiến của một số ĐB HĐND TP, UBND TP cho rằng, cần có biện pháp để lựa chọn được những chủ đầu tư có năng lực thực sự, có nghĩa là phải xem xét kỹ lưỡng ngay từ khâu phê duyệt quy hoạch, duyệt dự án. Hiện nay, UBND TP đang chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục đầu tư dự án theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch và tăng tính cạnh tranh.

Về vấn đề thiếu trường học, nhất là mầm non công lập, UBND TP Hà Nội nhận định, dù đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng thực tế, nhiều nhà đầu tư muốn thu hồi vốn nhanh nên xây nhà ở để bán trước. Thêm vào đó, các chủ đầu tư dự án khu đô thị thường không có kinh nghiệm đầu tư trường học nên phải liên doanh, liên kết dẫn tới việc xây dựng trường học trong khu đô thị bị chậm. Để khắc phục, TP sẽ có chế tài buộc chủ đầu tư khu đô thị xây dựng đồng bộ cả trường học cũng như cơ sở hạ tầng khác. Với khu vực trung tâm, UBND TP cũng cam kết, ưu tiên quỹ đất cho trường học và “phải cân đối đủ hạ tầng xã hội mới cho phép xây dựng nhà ở”.

Về chất lượng các công trình 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND TP tái khẳng định quan điểm chỉ đạo “chất lượng phải đặt lên hàng đầu, triển khai đúng quy trình, quy phạm, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực...”. Tuy vậy, nhắc tới một số công trình còn có sai sót, UBND TP cho rằng, những sai sót đó phải quy trách nhiệm và được khắc phục, sửa chữa, đảm bảo chất lượng. UBND TP cam kết, tiếp tục chỉ đạo rà soát, xử lý, khắc phục và vận hành khai thác hiệu quả các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.