Về văn bản số 89 của Sở GTVT Hà Nội:
“Không có giá trị nên không phải ra quyết định thu hồi”
(ANTĐ) - Đó là quan điểm của ông Trần Ngọc Thành - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Vận tải - Bộ GTVT, khi trao đổi với PV ANTĐ xung quanh Văn bản số 89 của Sở GTVT Hà Nội. (ANTĐ có bài phản ánh số báo ngày 18- 2- 2009).
Các doanh nghiệp vận tải sẽ không phải có chấp thuận hai đầu tuyến |
- PV: Ông có nhận xét gì về văn bản số 89 ngày 7-1-2009 của Sở GTVT Hà Nội “về việc phối hợp tổ chức, quản lý và đăng ký khai thác tuyến vận tải khách liên tỉnh năm 2009”?
- Ông Trần Ngọc Thành: Trước tiên phải khẳng định, văn bản số 89 không phải là văn bản quy phạm pháp luật, bởi thẩm quyền của Sở GTVT không được phép ban hành. Thực chất, đây chỉ là văn bản hành chính thông thường, với mục đích phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức vận tải trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Có một nội dung quan trọng trong văn bản hành chính này là Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị khai thác bến xe khách trên địa bàn thành phố chỉ ký kết hợp đồng bến xe cho các doanh nghiệp vận tải khai thác khi đã có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý hai đầu tuyến. Điều này trái với quy định trong Quyết định 16 của Bộ GTVT. Hơn nữa, vì là văn bản đề nghị phối hợp của các đơn vị, nhưng lại chưa có sự đồng thuận của các cơ quan liên quan nên cũng không thể áp dụng được.
Tại buổi giao ban BCĐ 197 sáng qua 25-2, ông Nguyễn Văn Khôi -Phó Chủ tịch UBND thành phố đã nhắc nhở đại diện Sở GTVT về việc “ra” văn bản số 89 không đúng thẩm quyền, quy trình. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở GTVT rút kinh nghiệm, không để tái diễn sự việc như trên. |
- PV: Thưa ông, đại diện Sở GTVT Hà Nội phản ánh, không chỉ với Quyết định 16 của Bộ GTVT mà nhiều năm trước với nhiều văn bản của Bộ, Sở GTVT Hà Nội từng kiến nghị, đề xuất chỉnh sửa một số quy định cho phù hợp với đặc thù Hà Nội, nhưng những ý kiến đó rất ít khi được tiếp nhận.
- Ông Trần Ngọc Thành: Nhiều năm trở lại đây, hoạt động vận tải mang tính xã hội rất cao, đặc biệt là vận tải đường bộ. Trong bối cảnh ấy, quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước là phải luôn tăng cường biện pháp quản lý để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, nhưng quan trọng không kém là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Bất cứ một văn bản nào cũng vậy, cơ quan quản lý thực hiện đúng quy trình đã được Nhà nước quy định, là xin ý kiến tham gia đóng góp các đơn vị, cơ quan liên quan trước khi ban hành. Những ý kiến đóng góp, nội dung phù hợp với quy định của pháp luật sẽ được tiếp thu. Và ngược lại, những nội dung không phù hợp, sai quy định sẽ không được tiếp nhận.
- PV: Nhưng đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đề xuất yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải có chấp thuận hai đầu tuyến đã được gửi đến cấp có thẩm quyền mà không nhận được hồi âm, mặc nhiên đề xuất ấy có giá trị?
- Ông Trần Ngọc Thành: Cơ quan quản lý không có trách nhiệm và sẽ không đủ thời gian để trả lời những đề xuất trái với quy định đã ban hành. Điều này không có nghĩa là cơ quan ra kiến nghị cứ thế được phép thực hiện. Tôi đặt câu hỏi: Nếu Sở nào, địa phương nào cũng đề xuất được thực hiện quy định trái văn bản pháp quy của Nhà nước thì công tác quản lý sẽ ra sao?
- PV: Theo quan điểm của ông, Hà Nội có cần thiết phải được áp dụng cơ chế đặc thù trong lĩnh vực vận tải khách nói riêng?
- Ông Trần Ngọc Thành: Mỗi cơ quan quản lý trước hết phải bám sát quy định pháp luật, và hoàn thiện hơn nữa bộ máy, quy trình quản lý của mình. Việc xây dựng và ban hành Quyết định 16 của Bộ GTVT không đề cập đến yếu tố “đặc thù” cho Hà Nội và cả TP Hồ Chí Minh, nên tôi cho rằng lĩnh vực vận tải khách cũng không cần đến cơ chế này.
Trở lại đề xuất chấp thuận hai đầu tuyến như Sở GTVT Hà Nội kiến nghị, trong Quyết định 16 đã nêu rất rõ các “bước” để nắm thông tin về hoạt động của xe khách tại địa phương, là qua Sở GTVT của các tỉnh, thành phố khác và qua báo cáo của các bến xe trên địa bàn thành phố. Tôi khẳng định, văn bản số 89 không có giá trị, vì vậy, Bộ GTVT thấy không cần phải ra quyết định thu hồi.
- PV: Xin cảm ơn ông!
Hoàng Quân
(Thực hiện)