Không có gì bất ngờ

ANTĐ - Niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp và sự hoài nghi của một số chuyên gia với ngành điện vốn “phập phù” từ lâu, đến nay coi như… tắt hẳn, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận. Mọi lý do mà Tập đoàn Điện lực (EVN) thường đưa ra để thanh minh, giải thích việc tăng giá điện, giờ không còn ý nghĩa gì: tăng giá điện vì đang bán dưới giá thành, giá điện ở nước ta thấp so với các nước trong khu vực; tăng giá để bù lỗ, để kêu gọi đầu tư, để tiến tới theo giá thị trường…

Nhớ lại năm 2012, sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố giá thành điện năm 2010 của EVN cao hơn giá kiểm toán 92 đồng/kWh, đáng ra nếu hạch toán vào giá điện thì giá điện bình quân đã không cao đến thế. Mỗi lần EVN tăng giá điện, Bộ Công Thương đều khẳng định EVN đã minh bạch số liệu, giá thành. Vậy mà khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc đưa ra kết luận hoàn toàn ngược lại. Lần này, Thanh tra phát hiện gần 600 tỷ đồng được EVN chi để xây biệt thự, bể bơi, sân tennis cũng được hạch toán vào giá điện.

Trong khi đó, có những khoản khổng lồ lên đến cả nghìn tỷ đồng (tiền cho thuê cáp, cột điện dài hạn) nếu được thu và hạch toán vào giá điện thì chắc chắn sẽ kéo giá thành điện xuống. Tuy vậy, một lần nữa, lãnh đạo EVN lại giải thích là “hạch toán giá thành cơ bản tuân thủ các quy định, năm nào cũng kiểm tra, kiểm toán để công khai”.

 Thậm chí, EVN còn ngụy biện, chi phí xây bể bơi, sân tennis là “nhân văn” để “thu hút nhân lực”. Một vài chuyên gia giá cả thị trường thừa nhận bị “sốc” trước những thông tin này. Họ cho rằng, những khoản đầu tư ngoài ngành gần 2.000 tỷ đồng và những chi phí xây bể bơi, chung cư, sân  tennis… đều cộng dồn vào giá thành điện là không thể chấp nhận được. Những gì mà người tiêu dùng từ trước tới nay nghi ngờ EVN là có cơ sở và không hề sai. Lại có một số chuyên gia kinh tế có thâm niên theo dõi ngành điện bình luận rằng, với kiểu “công khai, minh bạch” như mấy năm gần đây của EVN, việc phát hiện những “lỗ thủng” thu chi, đầu tư là không có gì phải bất ngờ. Có chăng chỉ “sửng sốt” vì khoản đầu tư ngoài ngành lần đầu tiên được công khai lên tới 121.000 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ với số tiền khổng lồ hơn 45.000 tỷ đồng. 

Toàn bộ số liệu của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ công bố trước công luận, quả là không có gì bất ngờ đối với người dân và dư luận lâu nay. Không có gì bất ngờ khi sự độc quyền của EVN lại được cơ quan chủ quản nuông chiều, thì mọi chi phí bất hợp lý, quản lý yếu kém, đầu tư ngoài ngành tổn thất lớn đều trút lên đầu người dân, doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị thành lập một tổ nghiên cứu độc lập để kiểm toán, giám sát cấu thành giá điện, thậm chí có thể mời cả kiểm toán nước ngoài.