Không có “cửa” thoát tội tham ô tài sản vì yếu tố thời gian

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Qua theo dõi báo chí tôi thấy những năm gần đây, nhiều cá nhân có chức vụ, quyền hạn sau nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khá lâu nhưng vẫn bị điều tra, truy tố về những sai phạm trong quá khứ. Xin hỏi luật sư, pháp luật quy định thế nào về việc này? Nguyễn Quang Hòa (Hà Nội)
Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh (Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh (Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư trả lời: Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, mọi hành vi phạm tội đều bị xử lý công minh, kịp thời, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Như vậy, nếu một người vi phạm luật hình sự, người đó sẽ bị xử lý khi bị phát hiện mà không phụ thuộc vào việc người đó chức vụ ra sao, quyền lực thế nào, còn tại vị hay đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác…

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự cũng có quy định về thời hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Nghĩa là một người dù có hành vi trái pháp luật nhưng người đó chỉ có thể bị xử lý trong thời hạn luật định chứ không phải cứ “treo” mãi khả năng truy cứu họ. Điều 27 - Bộ luật Hình sự đã quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định là 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này (thời hiệu cụ thể nêu trên), người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 1 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Pháp luật sẽ có những án phạt tù nghiêm minh đối với các hành vi phạm tội

Pháp luật sẽ có những án phạt tù nghiêm minh đối với các hành vi phạm tội

Ngoài ra, Điều 28 - Bộ luật Hình sự cũng quy định đối với 2 tội danh liên quan đến chức vụ quyền hạn, cụ thể là tội “Tham ô tài sản” thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 và tội “Nhận hối lộ” thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354, thì sẽ không áp dụng thời hiệu truy cứu theo Điều 27 nêu trên. Do đó, đối với trường hợp bạn nêu, nhiều người có chức quyền đã nghỉ hưu rất lâu nhưng vẫn bị xử lý hình sự bởi vì chưa hết thời hiệu truy cứu hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện hoặc họ phạm tội “Tham ô tài sản” và tội “Nhận hối lộ” từ khoản 3 trở lên.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.