Việc giải quyết vụ án theo trình tự Giám đốc thẩm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Xin hỏi luật sư, khi nào thì Tòa án sẽ xét xử lại vụ án theo thủ tục Giám đốc thẩm? Để được xét xử Giám đốc thẩm thì cần phải có những điều kiện gì? Bố tôi đã thụ án tù được hơn 5 năm nay có thể xét xử Giám đốc thẩm được không? Nguyễn Ngọc Huyền (Hà Nội)
Tòa án có thẩm quyền Giám đốc thẩm là Tòa án nhân dân Tối cao hoặc Tòa án nhân dân Cấp cao (Ảnh minh họa)

Tòa án có thẩm quyền Giám đốc thẩm là Tòa án nhân dân Tối cao hoặc Tòa án nhân dân Cấp cao (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Giám đốc thẩm là quá trình xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Việc giải quyết vụ án theo trình tự Giám đốc thẩm được thực hiện như sau: Người nào phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có quyền thông báo vi phạm đó cho người có thẩm quyền kháng nghị Giám đốc thẩm, như Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Văn bản thông báo vi phạm đó sẽ được người nhận xem xét.

Người có thẩm quyền sẽ ra quyết định kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm nếu có một trong các căn cứ: Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh. Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh. Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội)

Trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền Giám đốc thẩm như Tòa án nhân dân Tối cao hoặc Tòa án nhân dân Cấp cao phải mở phiên tòa và ban hành một trong những quyết định Giám đốc thẩm sau: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Đình chỉ xét xử Giám đốc thẩm.

Đối với trường hợp bố của bạn đã thụ án được hơn 5 năm, nếu bố bạn hoặc gia đình bạn có đơn đề nghị Giám đốc thẩm, đơn đề nghị đó vẫn được xem xét. Tuy nhiên Chánh án Tòa án hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát có đồng tình với ý kiến của gia đình bạn hay không còn phụ thuộc vào việc nội dung đơn có căn cứ pháp lý hay không. Nếu không có căn cứ, người có thẩm quyền sẽ có văn bản trả lời bạn và không ra quyết định kháng nghị. Khi đó sẽ không có phiên tòa Giám đốc thẩm nào được mở ra.