Không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt
(ANTĐ) - Với lý do về Hà Nội thăm một người bạn, ngày 1-11-2009, Đỗ Duy Tiên (SN 1989), trú tại tổ dân phố 1, phường Phố Cò, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, là thợ sửa chữa xe máy tự do đèo bạn là Ngô Văn Thọ đi xe máy từ Thái Nguyên về.
Lực lượng CSGT trong khi thi hành công vụ bị các đối tượng quá khích tấn công nhiều nhất |
Khoảng 15h cùng ngày, Tiên điều khiển xe đèo Thọ đi vào đường ngược chiều Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khi có tín hiệu đèn đỏ, Tiên vẫn cho xe rẽ phải vượt đèn đỏ nên đã bị đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng là chiến sĩ Đội CSGT số 7 đang làm nhiệm vụ ở đó giơ gậy điều khiển giao thông ra tín hiệu cho Tiên dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Tiên không những không dừng xe, chấp hành mệnh lệnh mà quay đầu xe bỏ chạy.
Đi được 2, 3 mét thì xe của Tiên va vào một xe máy khác đi cùng chiều khiến xe Tiên bị đổ. Thọ ngồi phía sau nhảy ra khỏi xe. Lúc này, đồng chí Dũng đi đến giữ ghi đông xe máy không cho Tiên bỏ chạy thì Tiên đã đạp mạnh vào đùi bên trái và ống chân bên phải của đồng chí Dũng. Đồng thời, Tiên đẩy mạnh khiến đồng chí Dũng ngã ra đường. Được sự hỗ trợ của các đồng chí cảnh sát trong tổ có mặt kịp thời cùng đồng chí Dũng bắt giữ Tiên đưa về trụ sở CAP Thanh Xuân Bắc giải quyết.
Với hành vi phạm tội trên, sau khi kết thúc điều tra, VKSND quận Thanh Xuân đã truy tố Đỗ Duy Tiên về tội chống người thi hành công vụ theo điều 257, khoản 1 BLHS.
Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 29-1-2010 của TAND quận Thanh Xuân, bị cáo Đỗ Duy Tiên khai nhận đã điều khiển xe máy đi vào đường ngược chiều từ Khuất Duy Tiến ra Nguyễn Trãi và đã vượt đèn đỏ. Khi nhìn thấy CSGT kiểm tra, Tiên đã quay đầu xe bỏ chạy và không may va vào một xe máy khác đi ngược chiều khiến xe của bị cáo đổ ra đường. Bị cáo đã không chấp hành việc kiểm tra của đồng chí CSGT, dùng vũ lực với CSGT khiến đồng chí CSGT bị ngã ra đường để bỏ chạy. Tiên nại ra việc không cố ý gây thương tích cho đồng chí Dũng mà thực hiện những hành động đó với ý định bỏ chạy khi biết mình vi phạm và bị kiểm tra (đồng chí Dũng không đi giám định thương tích và cũng không có yêu cầu gì về dân sự). Với việc làm đó, bị cáo rất ân hận và xin được giảm nhẹ hình phạt.
Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, được chứng minh bởi biên bản bắt người phạm pháp quả tang, sơ đồ hiện trường vụ án... có đủ cơ sở kết luận bị cáo Đỗ Duy Tiên có hành vi cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ. Hành vi của bị cáo đủ cơ sở cấu thành tội chống người thi hành công vụ, được quy định tại điều 257, khoản 1 BLHS.
Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, chẳng những xâm phạm trật tự quản lý hành chính mà còn trực tiếp xâm phạm tới sức khỏe của người thi hành công vụ. Sự nguy hiểm trong hành vi được thể hiện ở chỗ, bị cáo biết mình vượt đèn đỏ là vi phạm Luật Giao thông đường bộ nhưng khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, bị cáo vẫn không chấp hành mà còn bốc đầu xe để chạy. Khi bị CSGT giữ lại (lúc bị cáo đã bị đổ xe), bị cáo vẫn không chịu chấp hành mà tiếp tục đạp, đẩy đồng chí CSGT ngã xuống đường chứng tỏ sự coi thường pháp luật và quyết tâm phạm tội cao của bị cáo.
Là một thanh niên có sức khỏe, có trình độ học vấn nhưng chỉ vì một phút nông nổi, bị cáo đã vi phạm pháp luật nên việc xử lý nghiêm khắc là cần thiết để răn đe và phòng ngừa chung. Một hình phạt nghiêm khắc áp dụng cho bị cáo còn là lời cảnh tỉnh đối với tất cả những người tham gia giao thông tại địa bàn Hà Nội khi tình trạng vi phạm luật giao thông rồi chống lại lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ ngày càng gia tăng và phức tạp.
Tuy nhiên, khi lượng hình, Hội đồng xét xử cũng xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo vì đã thành khẩn nhận tội, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.Vì các lẽ trên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Duy Tiên 7 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ.
Ngày 3-2-2010, Tiên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Mới đây, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án trên. Vụ án không có thêm tình tiết mới và những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo đã được vận dụng đúng tại bản án sơ thẩm. Vì vậy, án phúc thẩm quyết định y án sơ thẩm.
Thu Hiền
Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an cho thấy từ năm 2003 đến nay trên toàn quốc trung bình mỗi năm xảy ra hơn 3.000 vụ chống người thi hành công vụ, làm chết và bị thương hàng trăm cán bộ hành pháp các cấp, hư hỏng nhiều tài sản, phương tiện công tác của lực lượng thi hành công vụ. Trong đó, trên 75% số vụ có hành vi chống người thi hành công vụ nhằm vào lực lượng CAND chủ yếu là chống lại lực lượng cảnh sát (đặc biệt là cảnh sát giao thông) và công an xã chiếm tỷ lệ rất cao bởi do đặc thù nghề nghiệp, lực lượng công an, nhất là cảnh sát thường xuyên trực tiếp giải quyết những vụ việc liên quan đến quyền lợi vật chất và tinh thần của nhân dân, trong trường hợp tham gia giải quyết những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. |