Không chừa cả trẻ em
(ANTĐ) - Bất chấp sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ổn định các mặt hàng thiết yếu, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, tháng 7 vừa qua, hàng loạt hãng sữa đã tăng giá với mức tăng trung bình 20%. Trong năm nay, đây là đợt tăng thứ hai; năm ngoái đã tăng ít nhất ba lần.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thế giới và Việt Nam, hiện cả nước có trên 2,6 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi; tỷ lệ này của trẻ dưới 5 tuổi là 34%. Có tới 31% nguyên nhân là vì trẻ thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu sữa.
Dư luận đã nhàm tai với “điệp khúc” lý do sữa tăng giá: tỷ giá ngoại tệ thay đổi, chi phí đầu vào cao…. Tại lễ phát động chương trình “1 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo vừa diễn ra tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng công bố số liệu “gây sốc” cả xã hội: tỷ lệ sữa sử dụng trên đầu người Việt Nam xếp loại thấp nhất khu vực và đứng trong nhóm 10 nước dùng sữa ít nhất thế giới. Đặc biệt, mức tiêu thụ sữa của trẻ em Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với trẻ em vùng Đông Nam Á.
Do đời sống khó khăn kéo dài và thiếu dinh dưỡng, nhất là thiếu sữa, tầm vóc và sức bền của thanh niên Việt Nam vào loại thấp kém nhất khu vực. Nam thanh niên Việt Nam 18 tuổi chiều cao trung bình thấp hơn nam thanh niên Nhật bản cùng lứa 8cm, thanh nữ nước ta thấp hơn nữ nước này 4cm.
Đó là thế hệ “tre xanh”, còn thế hệ măng non? ở ta, cứ bốn đứa trẻ thì một em suy dinh dưỡng. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn trầm trọng hơn, cứ ba đứa trẻ Việt Nam thì có một em còi cọc.
Trong một diễn đàn “Quyền uống sữa cho trẻ em” mới tổ chức ở TP.HCM, rất nhiều bài diễn văn đã chứng minh rất hùng hồn việc “cần phải cho trẻ uống sữa” và “sữa rất cần thiết cho sự phát triển trí tuệ, cân nặng, chiều cao của trẻ em.
Các tổ chức y tế thế giới và các bác sỹ ở Việt Nam luôn kêu gọi trên các phương tiện truyền thông, trong các cẩm nang nuôi con rằng, phải cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
Thế nhưng, theo một bác sỹ dinh dưỡng, nguồn sữa mẹ vô giá đang bị phung phí đến mức “có tội” với trẻ thơ bởi người mẹ chỉ được nghỉ đúng 4 tháng sau khi sinh nở. Mẹ phải đi làm sớm tức là nguồn sữa quý giá sẽ không được sử dụng. “Quyền” uống sữa tươi, sữa bột và các loại sữa khác càng xa với đối với trẻ thơ.
Ngành chăn nuôi cả nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu dùng sữa trong nước, phải đến năm 2020 may ra mới thỏa mãn được 40% nhu cầu. Trong khi đó, chỉ từ đầu năm 2008 đến nay, giá sữa đã tăng khoảng 20%.
Một Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội đã lên tiếng: “Trong lúc giá cả leo thang, sữa là một trong những mặt hàng có giá bán tăng nhanh và tăng nhiều nhất. Trẻ em, nhất là trẻ em nghèo rất khó có cơ hội uống sữa. Những gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn, cơm ăn chưa đủ no thì lấy sữa đâu mà uống”.
Không cần là “chuyên gia” dinh dưỡng cũng hiểu rằng, với hàng triệu trẻ em suy dinh dưỡng thiếu cân, thấp còi sẽ làm suy giảm tương lai nòi giống dân tộc.
Ước mơ cải thiện, “nâng cấp” chiều cao, tầm vóc, trí tuệ và sức bền của người Việt Nam, có lẽ chỉ thành hiện thực ở nhóm trẻ được sinh ra trong nhà khá giả ở thành thị. Đâu chỉ ở Mỹ, Anh, Nhật bản, ngay ở Indonesia, Thái Lan… trẻ em mẫu giáo và học trò tiểu học đã được uống nguồn sữa tươi mát, miễn phí của Nhà nước.
Ta còn nghèo nhưng không thể để giá sữa tăng cao, trở nên xa xỉ đối với trẻ em. Sữa càng tăng giá, trẻ em càng có nguy cơ suy dinh dưỡng, còi cọc, nhất là giai đoạn dưới 2 tuổi. Nhà nước cần nghiên cứu, xem xét đưa sữa vào danh mục quản lý giá các mặt hàng đặc biệt.
Đan Thanh