- Người thầy khởi xướng "nghìn việc tốt"
- Cả trăm học sinh ngày ngày ngồi học dưới chân núi có nguy cơ sạt lở
- Lặng người xem con đường đi học nguy hiểm nhất thế giới
11 tuổi chưa được đến trường - tương lai của cháu H sẽ đi về đâu?
Ở góc độ pháp lý, Hiến pháp 2013 đã quy định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ công dân”. Điều 10 Luật Giáo dục năm 2005 cũng đã cụ thể hóa quy định này. Theo đó, mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng nêu rõ, trẻ em có quyền được học tập. Tiếp theo đó, Nghị định 71/2011/NĐ-CP nghiêm cấm việc lợi dụng uy tín, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng vật chất, uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học; Bắt buộc, dụ dỗ trẻ em bỏ học, nghỉ học để gây áp lực, khiếu kiện...
Đối chiếu với các quy định này, theo luật sư Nguyễn Thành Trung - Đoàn Luật sư Hà Nội, bất kỳ cá nhân nào có hành vi buộc trẻ em không được đến trường là vi phạm quyền được học tập của trẻ em.
Tòa án có thể can thiệp
Nghị định 71/NĐ-CP còn quy định, nếu cha, mẹ có hành vi vi phạm quyền trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, Tòa án sẽ quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em.
Trong trường hợp khẩn cấp, cần phải bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và lợi ích hợp pháp của trẻ em khi chưa có quyết định của Tòa án, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tạm thời giao trẻ em cho thân nhân nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
Còn theo Luật Giáo dục, cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em hoặc người được giám hộ được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường. Trẻ em có quyền được học tập, nghĩa là bất kỳ trẻ em dưới 16 tuổi, đều có quyền được đi học đúng độ tuổi. Quyền này được Nhà nước qui định và bảo đảm thực hiện.
“Về mặt pháp lý, những mâu thuẫn phát sinh trong hôn nhân của vợ chồng không thể làm cản trở quyền được đi học của các con. Việc không cho trẻ đến trường là đánh mất quyền cơ bản nhất của các em. Trong trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm (trẻ bị cha mẹ ngược đãi, đánh đập gây thương tích hoặc bị làm nhục…) thì tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng” - luật sư Nguyễn Thành Trung nhận định.
Cần người thân hỗ trợ
Ở góc độ tâm lý, bệnh lý, Tiến sỹ Tâm lý - bác sỹ Hoàng Cẩm Tú cho rằng, khi người mẹ không cho con đến trường, luôn muốn giữ con ở trong nhà, không cho tiếp xúc với ai vì sợ mình và con mình bị hại có thể họ đã có dấu hiệu bị hoang tưởng. Bởi hoang tưởng bị người khác hại khiến bệnh nhân luôn tin rằng có người đe dọa, đòi giết, hãm hại mình khiến họ rất sợ sệt nên đôi khi có những hành động phản kháng lại.
Người bị hoang tưởng bị người khác hại thường có các biểu hiện như chống đối người khác, không thích tiếp xúc với người ngoài, ít khi ra khỏi nhà, sống khép kín, thu mình. Họ luôn lo lắng, thường xuyên trong tư thế đề phòng, nghi ngờ mọi người xung quanh, mắng chửi, to tiếng với người khác một cách vô cớ. Nguy hiểm ở chỗ họ có thể “ra tay trước” đối với những người mà họ nghĩ sẽ sát hại mình.
“Khi thấy người thân có những triệu chứng trên, gia đình nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Trong trường hợp nếu người này đặt ra một mối nguy hiểm cho chính mình hoặc cho người khác, cần nhanh chóng báo cơ quan công an, chính quyền địa phương để được can thiệp, giúp đỡ” - Tiến sỹ Cẩm Tú khuyến cáo.
Với trường hợp của cháu H, điều đáng nói là hiện chưa có cơ sở nào xác định mẹ của cháu H có mắc bệnh về tâm thần hay không, cũng không có quy định, cá nhân, tổ chức nào có chức năng, nhiệm vụ cưỡng chế đưa chị đi khám hoặc điều trị.
Do vậy, chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan chỉ có thể vận động, thuyết phục mẹ cháu thay đổi nhận thức, suy nghĩ về việc đưa cháu đến trường, đồng thời gặp gỡ đề nghị những người thân của cháu can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Tuy vậy, việc làm này chưa phát huy hiệu quả như mong muốn và câu chuyện buồn về cháu bé 11 tuổi vẫn chưa được đến trường không biết đến bao giờ mới có hồi kết!
Trẻ em có quyền được học tập. Quyền này được Nhà nước qui định và bảo đảm thực hiện