Khốn khổ những chuyến tàu: Bài toán chưa có lời giải

ANTĐ - Mặc dù ngành đường sắt đã triển khai nhiều biện pháp để giải quyết nạn bán hàng rong, trộm cắp, mất vệ sinh.. trên tàu, song đến thời điểm hiện tại, tình trạng này vẫn không có gì tiến triển…

Rất đông hành khách chờ tàu ở sân ga


Lỗi một phần thuộc về hành khách

Trước thực trạng mất vệ sinh trên các chuyến tàu, ông Huỳnh Cường - Giám đốc Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội - Đường sắt Việt Nam cho rằng, lỗi một phần thuộc về những hành khách thiếu ý thức. Nhiều nhân viên làm việc trên các chuyến tàu đã tận mắt chứng kiến những vị khách đi tiểu hay cho con nhỏ đi vệ sinh ngay vào bồn rửa mặt, hay khi bị say tàu, họ thản nhiên nôn ọe ngay trên sàn, thậm chí trên giường nằm. Dù đã được nhắc nhở thường xuyên về việc giữ vệ sinh chung, nhưng một số hành khách vẫn vô tư xả rác bừa bãi hay hút thuốc trong phòng điều hòa. Ngoài ra, tình trạng khách đi theo gia đình tự tiện đổi chỗ ngồi, giường nằm rồi tụ tập ăn uống, nói chuyện ầm ĩ, ảnh hưởng đến những người xung quanh xảy ra khá phổ biến. Khi bị nhân viên trên tàu nhắc nhở, nhiều người còn tỏ thái bộ bất cần, thách thức.

Mặc dù, nước trên các toa xe có giới hạn nhưng một số hành khách lại “hồn nhiên” đóng cửa phòng vệ sinh hàng giờ đồng hồ để… tắm. Bởi vậy, những người đi vệ sinh sau không những phải chờ đợi rất lâu, mà còn không có nước để sử dụng, gây ảnh hưởng đến vấn đề vệ sinh trên tàu. Một số hành khách tuy mua vé ghế ngồi nhưng lại tự tiện trải báo, chiếu, áo mưa... nằm la liệt dưới sàn tàu, tạo ra hình ảnh lộn xộn, nhếch nhác.

Còn về tình trạng bán hàng rong trên tàu, tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp, đơn cử là vụ việc xảy ra trên tàu TN 2 tại ga Lăng Cô ngày 20-8 vừa qua.

Theo ông Huỳnh Cường, khi đến ga Lăng Cô lúc 8h55, trong khi tàu dừng đón tiễn hành khách và chờ tránh nhau với tàu SE 1, do ga này có nhiều đối tượng hành nghề bán hàng rong trái phép nên trưởng tàu đã triển khai Tổ bảo vệ cơ động của công ty, bảo vệ theo tàu và nhân viên phụ trách các toa tàu thực hiện việc ngăn chặn không cho các đối tượng hàng rong hành nghề: Đóng khóa các cửa lên xuống không cho các đối tượng bán hàng rong lên tàu, phát thanh trên hệ thống loa và trực tiếp nhắc nhở hành khách không mua hàng của những người bán hàng rong. Tuy vậy, một số đối tượng vẫn lên tàu bán hàng. Sau một hồi giằng co, hai bên đã xảy ra xô xát khiến một số người bị thương, trong đó có 2 nhân viên của ngành đường sắt là Lê Bảo Ngọc và Đinh Xuân Hiếu. Vụ việc chỉ dừng lại khi lực lượng Công an thị trấn Lăng Cô có mặt tại hiện trường.

Hàng rong trên tàu - tình trạng khó giải quyết

Sự phối hợp thiếu hiệu quả

Để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu, bên cạnh số nhân viên thường trực, Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội phải cử 2-3 nhân viên của phòng bảo vệ quân sự đi tuần theo tàu. Hiện những chuyến tàu có nạn bán hàng rong phức tạp nhất là những tuyến thuộc phía tây và phía nam như Yên Bái, Bình Thuận, Lăng Cô.

Do đây là nghề kiếm ăn chính của nhiều đối tượng nên họ luôn tìm mọi cách thức, thủ đoạn để tồn tại, thậm chí sẵn sàng chống lại khi bị ngăn cản. Những đối tượng này không chỉ lên tàu lúc tàu tạm dừng mà còn sẵn sàng đeo bám khi tàu đang chạy. Thậm chí, họ còn chấp nhận mua vé với đoạn đường ngắn để lên tàu một cách hợp pháp. Nhân viên trên tàu dù đã tăng cường tuyên truyền trên loa đối với hành khách, phát hiện, cô lập và kiên quyết yêu cầu các đối tượng bán hàng rong xuống tàu song cái khó ở chỗ, họ không được thu giữ hàng hóa của đối tượng hay được áp dụng bất cứ chế tài xử phạt nào. Do vậy, xử lý mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, đuổi xuống. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác phối hợp với các địa phương - nơi cư trú của các đối tượng này thời gian qua còn thiếu hiệu quả.

Bên cạnh đó, nạn ném đá trên tàu dù đã bị lên án mạnh mẽ nhưng vẫn không có dấu hiệu giảm, đặc biệt còn tăng lên vào những tháng hè. Những địa phương xảy ra tình trạng này nhiều nhất là Lào Cai, Thanh Hóa, Bình Thuận, Quảng Bình. Bên cạnh thiệt hại về tài sản hàng tỷ đồng mỗi năm, ngành đường sắt còn phải gánh chịu những thiệt hại về người. Cách đây không lâu một phó trưởng tàu khi đang làm nhiệm vụ trên tàu Thống Nhất khi đi đến địa phận tỉnh Quảng Bình đã bị ném đá vỡ đầu, phải khâu 8 mũi. Dù hành vi ném đá vào tàu là khá nghiêm trọng, song việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết các đối tượng thực hiện hành vi này đều là trẻ vị thành niên, có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Nạn trộm cắp trên tàu cũng là một trong những vấn đề gây bức xúc cho hành khách. Để giải quyết vấn nạn này, bên cạnh việc phát loa tuyên truyền tới hành khách tự bảo quản tư trang hành lý của mình, đơn vị chủ quản còn triển khai dán các bảng thông báo với nội dung cảnh báo trộm cắp bằng 3 thứ tiếng (Việt, Anh, Trung) trên tàu, đồng thời phối hợp với lực lượng công an địa phương có các ga nơi tàu đi qua rà soát, khoanh vùng, bắt giữ đối tượng có hành vi phạm tội.

Cũng theo ông Huỳnh Cường, dù đã triển khai đồng thời nhiều biện pháp từ tuyên truyền, giáo dục đến tăng cường kiểm tra, phát hiện cảnh cáo những đối tượng bán hàng rong, ném đá, trộm cắp trên tàu song nếu chỉ riêng ngành đường sắt nỗ lực sẽ không giải quyết được tận gốc mọi vấn đề. Đó chẳng khác nào là bài toán không có lời giải. Để có những chuyến tàu an toàn, ngày càng hoàn thiện về công tác phục vụ thì bên cạnh sự nỗ lực của đơn vị chủ quản, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương và cơ quan liên quan thì sự thay đổi về ý thức khi sử dụng không gian công cộng của khách đi tàu cũng là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.