Khởi tố Trần Thanh Tú lừa đảo gần 23 tỷ đồng
(ANTĐ) - Ngày 25-9-2007, cơ quan An ninh điều tra - CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thanh Tú (SN 1981), trú tại phường Phương Liên, Đống Đa về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tự giới thiệu có “nguồn” mua cổ phiếu chưa lên sàn với giá rẻ, Tú đã lừa đảo, chiếm đoạt được gần 23 tỷ đồng của nhiều người.
Hành vi lừa đảo của Trần Thanh Tú được cơ quan công an xác minh từ đơn trình báo của các chị Hà Thị H, nhà ở quận Hai Bà Trưng; chị Nguyễn Thị Hồng V và chị Đặng Thị Bạch T, cùng trú tại quận Đống Đa, tố cáo Tú chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Trần Thanh Tú tại cơ quan công an |
Quá trình điều tra, cơ quan An ninh điều tra - CATP làm rõ sự việc như sau: Từ khoảng đầu năm 2007, trong cơn “sốt” chứng khoán, Tú tự giới thiệu là em họ ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và đầu tư công nghệ FPT nên có “nguồn” mua 2 loại cổ phiếu FPT và FPTS giá ưu đãi. Tin lời Tú, đã có khá nhiều người đưa tiền cho Tú mua cổ phiếu.
Cụ thể, Tú đã 5 lần nhận tiền mua cổ phiếu ưu đãi FPT cho chị H.
Lần đầu tiên khoảng tháng 4-2007, Tú nhận 205 triệu đồng để mua 500 cổ phiếu. Sau khoảng 10 ngày, Tú nói giá cổ phiếu lên và bán đi, được lãi 50-60 triệu đồng. “Phi vụ” này, chị H được lãi 40 triệu đồng. Tú đã trả cả gốc lẫn lãi cho chị H bằng tiền mặt.
Lần thứ 2 sau đó gần nửa tháng. Tú nhận của chị H 435 triệu đồng để mua 1.000 cổ phiếu. Sau đó Tú nói đã bán số cổ phiếu này được lãi 80 triệu đồng và trả cả tiền gốc và lãi cho chị H.
Lần thứ 3, Tú nhận tiền để mua và bán 1.500 cổ phiếu cho chị H được lãi 70 triệu đồng.
Lần thứ 4 vào ngày 29-5-2007, Tú nói với chị H: “Em nhờ anh Trương Gia Bình mua được 10.000 cổ phiếu ưu đãi với giá rẻ”. Vì vậy chị H đã đưa cho Tú 2,03 tỷ đồng để mua 7.000 cổ phiếu với giá 290.000 đồng/cổ phiếu. Cho đến nay Tú không đưa cổ phiếu cho chị H và cũng không có tiền để trả.
Lần thứ 5, vào ngày 1-6-2007, Tú lại nói với chị H: “Công ty FPT có 10.000 cổ phiếu có thưởng giá 275.000 đồng/cổ phiếu. Nếu mua cả sẽ được thưởng thêm 2.000 cổ phiếu tỷ lệ 5/1 (mua 5 được thưởng 1)”. Chị H chỉ thu xếp được 2,2 tỷ đồng đưa cho Tú để mua 8.000 cổ phiếu.
Thấy vậy, Tú thuyết phục chị H là Công ty FPT bán cả lô nên cố gắng lo thêm tiền để cùng Tú lấy nốt 2.000 cổ phiếu còn lại. Ngày 2-6-2007, chị H đưa thêm cho Tú 170 triệu đồng. Tú hẹn sau một tuần sẽ giao cổ phiếu cho chị H nhưng quá hẹn vẫn không hồi âm.
Bị chị H thúc giục nhiều lần, ngày 19-7, Tú nói đã bán được 8.000 cổ phiếu, lãi 60 triệu đồng và đã đến nhà chị H, trả số tiền 2,26 tỷ đồng, bao gồm 2,2 tỷ tiền gốc và lãi 60 triệu đồng. Trong lần giao dịch này, Tú nợ chị 170 triệu đồng và “2.000 cổ phiếu thưởng”.
Theo lời khai sau này của Tú tại cơ quan công an, ba lần đầu, thực tế cô ta không mua cổ phiếu FPT nhưng vẫn tự bỏ tiền lãi (khoảng 200 triệu đồng) ra trả cho chị H. Cuối tháng 5-2007, do cần tiền nên Tú đã nghĩ ra việc mua được 2 lô cổ phiếu của Công ty FPT để lừa chị H đưa cho cô ta 4,4 tỷ đồng.
Bị chị H đòi nhiều lần, Tú đã vay mượn của người khác trả chị H 2,26 tỷ đồng nhưng nói dối là tiền lãi của 8.000 cổ phiếu nhằm gây lòng tin với chị H để tiếp tục chiếm dụng hơn 2 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Tú xác nhận còn nợ chị H 2,2 tỷ đồng.
Với thủ đoạn có “nguồn” mua cổ phiếu giá ưu đãi, luôn thanh toán cả gốc lẫn lãi trong vòng 10 ngày, Trần Thanh Tú đã lừa đảo, chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị Hồng V, nhà ở quận Hai Bà Trưng 1,77 tỷ đồng. Lừa chiếm được của ông Nguyễn Văn T, nhà ở quận Cầu Giấy 3,2 tỷ đồng. Lừa lấy được của ông Trương Anh T, Chủ tịch HĐQT một công ty cổ phần 2,6 tỷ đồng; và lừa đảo của chị Phạm Thị H, nhà ở quận Đống Đa 4 tỷ đồng.
Ngoài ra Trần Thanh Tú còn vay của người thân, bạn bè khoảng 8,4 tỷ đồng, không có khả năng chi trả. Tổng số tiền Trần Thanh Tú vay và chiếm đoạt là gần 23 tỷ đồng. Đáng chú ý, số bị hại của Tú không chỉ có 5 người đã trực tiếp đưa tiền cho cô ta. Phía sau đó còn hàng chục người khác chung tiền để chơi cổ phiếu.
Nhiều người để mua được “cổ phiếu giá gốc” của Tú đã phải thế chấp “sổ đỏ”, vay tiền với lãi suất cao. Có người Tú không giở màn kịch mua bán cổ phiếu mà nói cần tiền để mua ôtô mới nhập, sau thời gian bán ôtô sẽ trả ngay. Nhưng thực chất cũng để lừa đảo.
Trần Thanh Tú mới tốt nghiệp Đại học và về nhận công tác tại một đơn vị thuộc Công an Hà Nội từ năm 2004. Ngày 17-8-2007, Trần Thanh Tú đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân. Ngày 25-9, cơ quan An ninh điều tra - CATP đã ra quyết định khởi tố vụ, khởi tố bị can, khám xét khẩn cấp nơi ở của Trần Thanh Tú về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.
Trần Thanh Tú hiện không bị áp dụng hình thức tạm giam do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Cơ quan An ninh điều tra - CATP Hà Nội đề nghị, ai là bị hại của Trần Thanh Tú, đến trực tiếp hoặc cung cấp thông tin tố giác theo số điện thoại 04.9396413, 04.9396238.
Nhóm PV Nội chính