Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021)

Khơi mầm thiện cho những cuộc đời lầm lỗi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một “đặc quyền” đối với phóng viên báo chí của ngành công an là dễ dàng tiếp cận, chứng kiến những gì diễn ra phía sau cổng trại giam - nơi có lẽ không một ai muốn đến. Trong đó là thế giới của những lỗi lầm, những câu chuyện bi thương, những con người đáng trách. Mỗi lần tác nghiệp tại nơi này đều để lại trong chúng tôi những câu chuyện rất khó quên.
Cán bộ quản giáo là những người thầy, người bác sĩ nhận được sự kính trọng của phạm nhân

Cán bộ quản giáo là những người thầy, người bác sĩ nhận được sự kính trọng của phạm nhân

Những lời xin lỗi muộn màng

Câu nói mà cánh phóng viên chúng tôi nghe nhiều nhất tại trại giam là những lời xin lỗi. Tuy nhiên đó là những lời nói muộn màng với người thân, với bị hại của họ… Như một cách cứu rỗi cho sự cắn rứt, họ muốn nói lên những điều mà chưa thể, chưa có điều kiện được nói với bị hại hoặc thân nhân người bị hại. Mỗi câu chuyện của họ đều mang đến những cảm xúc khác nhau đối với phóng viên chúng tôi, vừa cảm thông, vừa đáng trách.

Sẽ là những hình ảnh không thể nào quên đối với chúng tôi khi được ghi lại những không khí, xúc cảm trong dịp Tết trong trại giam hay những cuộc gặp gỡ giữa phạm nhân và người nhà đợt tha tù, giảm án. Tôi nhớ như in gương mặt đẫm nước mắt của cậu thanh niên 27 tuổi Nguyễn Công Hoàng tại Trại giam số 6 (Cục Cảnh sát quản lý trạị giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an). Hoàng bị phạt tù 88 tháng về tội Buôn bán trái phép chất ma túy. Sau thời gian chấp hành án, Hoàng được về ăn Tết với gia đình trong đợt giảm án, tha tù có điều kiện năm 2021. Nhờ cải tạo tốt Hoàng đã được giảm 27 tháng so với bản án ban đầu. Đón Hoàng tại cổng trại giam, mẹ Hoàng rơi nước mắt ôm chặt con vào lòng. Và câu nói đầu tiên gặp lại gia đình của chàng trai trẻ này: “Mẹ ơi, con xin lỗi!”.

Theo tâm sự của chàng trai từng lầm lỡ này, năm 20 tuổi, Hoàng bắt đầu bỏ nhà theo chúng bạn lao vào những cuộc chơi ma túy thâu đêm. Hết tiền, Hoàng quay sang mua ma túy để vừa bán kiếm lời vừa sử dụng. Và kết cục là cậu ta sa vào vòng lao lý. Những tháng ngày ròng rã chấp hành án phạt tù đã giúp Hoàng thấm thía về những gì mình gây ra cho xã hội, cho gia đình. Và nỗi đau sau song sắt không chỉ có một mình Hoàng phải chịu, mà bố mẹ - những người đã cực nhọc nuôi Hoàng khôn lớn - còn đau gấp bội. “Trước đây em cũng ít tuổi, cũng đua đòi theo bạn bè nên mới xảy ra sự việc như thế. Qua năm tháng cải tạo, em cũng nhận ra được sai lầm và trưởng thành hơn. Hóa ra gia đình cũng thương em mà em không biết. Em muốn bù đắp lại cho mẹ, cho gia đình” - Hoàng chia sẻ.

Sẻ chia và thấu hiểu

Đề tài ghi hình những câu chuyện diễn ra trong trại giam luôn có sức hấp dẫn và giàu tính nhân văn. Những chuyến công tác đến các trại giam luôn mang lại cho phóng viên những trải nghiệm. Ở đó, phía sau song sắt là hàng trăm, hàng nghìn số phận khác nhau và chẳng có câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Từ những đối tượng giết người máu lạnh với sự sám hối tội ác do mình gây ra mà ít ai có thể tin được, hay những tay giang hồ cộm cán, từng là nỗi kinh hoàng khi còn ở ngoài xã hội khi chỉ biết dùng dao kiếm để giải quyết ân oán, nợ nần. Hoặc đó cũng có thể là những nữ phạm nhân vùi chôn tuổi thanh xuân của mình chỉ vì một phút cuồng ghen… Để tác nghiệp tại nơi đặc biệt này luôn phải vững vàng cả tâm lý lẫn nghiệp vụ báo chí. Để có một bài viết hay, nhà báo cần phải vừa làm tâm lý cho phạm nhân để họ giãi bày câu chuyện, nhưng cũng phải khéo léo không chạm đến nỗi đau trong họ. Tất cả đều hướng đến một mục đích duy nhất, đó là tính nhân văn, khơi dậy lòng hướng thiện của mỗi con người.

Với mỗi phóng viên, để “vẽ” lại cuộc đời lầm lỗi của một con người trong vài tiếng đồng hồ tiếp xúc đã là điều khó. Nhưng để họ hiểu ra sai lầm, hiểu ra nỗi đau của mình không phải đang bị đào xới thêm một lần nữa lại càng khó hơn gấp bội. Thành công hay thất bại với nhân vật? Làm thế nào để các phạm nhân sẵn sàng trải lòng, hòa mình vào câu chuyện? Đôi khi nó được quyết định ngay từ bước khởi đầu này.

Phía sau song sắt là hàng nghìn câu chuyện đời bi thương

Phía sau song sắt là hàng nghìn câu chuyện đời bi thương

Vượt qua vũng bùn tội lỗi

Ai cũng có lòng trắc ẩn, do vậy dù có cứng rắn đến đâu, dù có phạm tội nghiêm trọng đến mức nào thì phạm nhân cũng luôn mềm yếu khi nhắc tới gia đình. Trong những lần tác nghiệp tại trại giam của chúng tôi, có những buổi nói chuyện với phóng viên, phạm nhân từ đầu đến cuối không nói câu nào, nhưng chỉ cần nhắc đến bố mẹ già và con thơ là họ ôm mặt khóc.

Bên cạnh những mảnh đời lầm lỗi luôn có những bàn tay sẵn sàng đưa ra giúp họ thoát khỏi vũng bùn. Đó chính là tấm lòng của các cán bộ quản giáo. Họ là những người luôn đồng hành và giúp đỡ phóng viên tác nghiệp. Ở họ, không đơn thuần chỉ là việc giáo dục, cảm hóa, mà còn có sự hiện hữu của tình người. Không ít cán bộ quản giáo là những người thầy, bác sĩ, cô giáo, bà mẹ nhận được sự kính trọng của phạm nhân.

Nhiều trường hợp phạm nhân chán nản với bản án quá dài, chỉ nghĩ đến cái chết để kết thúc tất cả, nhưng cũng chính họ đã hoàn toàn thay đổi thành một con người khác khi nhận được lời khuyên kịp thời từ các cán bộ quản giáo. Nhờ đó, trại giam đã trở thành một ngôi nhà thứ 2 với nhiều phạm nhân. Một ngôi nhà đặc biệt được bao bọc bởi kỷ luật, tình thương và trách nhiệm. Cuộc đời ai cũng có thể xảy ra những lỗi lầm đáng tiếc. Nhưng điều quan trọng là chúng ta nhận thức và biết cách sửa sai những lỗi lầm ấy.